Tại Sao Trẻ Lại Sợ Bóng Tối? 11 Điều Bố Mẹ Nên Biết
Ngày đăng: 23/09/2022Halloween sắp đến rồi, rất nhiều trẻ đang phấn khích vì có thể diện đồ hóa trang và đi xin kẹo. Nhưng Halloween cũng có thể trở nên đáng sợ bởi vì những trang trí rùng rợn, âm thanh lạ lùng và những thứ “di chuyển trong bóng tối”. Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao nhiều trẻ lại sợ bóng tối theo kiểu bản năng chưa? Điều này dễ hiểu đối với người lớn hơn, bởi vì người lớn đã tiếp xúc qua phim hay truyện kinh dị để có nhận thức về những người đáng ngờ và những điều có thể xảy ra trong bóng tối.
Nhưng tại sao trẻ lại sợ bóng tối khi chưa có bất kỳ trải nghiệm tiêu cực nào với nó?
Dưới đây là 11 điều bố mẹ nên biết về nỗi sợ bóng tối của trẻ:
Mục lục:
Nỗi sợ rất phổ biến
Tất cả trẻ em đều sẽ trải qua một vài nỗi sợ khi còn bé, và nỗi sợ bóng tối thì cực kỳ phổ biến. Nỗi sợ bóng tối thường xảy ra lúc trẻ từ 3 đến 6 tuổi, khi trẻ đã có thể tưởng tượng ra nhiều thứ nhưng chưa có khả năng phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng.
Nỗi sợ là phản ứng phòng vệ
Nỗi sợ là phản ứng tự nhiên của não bộ để bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa. Nỗi sợ là điều hoàn toàn bình thường trong đời sống, nhưng nó sẽ trở nên sống động hơn vào thời thơ ấu. Khi nỗi sợ vượt quá giới hạn thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ, nhưng một chút nỗi sợ thì có thể giúp trẻ giữ an toàn cho chính bản thân mình. Ví dụ, sợ chìm xuống nước, sợ bị bỏng, hay sợ bị bắt cóc có thể giúp trẻ phòng tránh được những tai nạn ngoài ý muốn.
Nỗi sợ ở trong gen di truyền
Bạn đã từng cảm nhận được nỗi sợ về một thứ chưa bao giờ làm hại đến bạn chưa? Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng một vài nỗi sợ của chúng ta được di truyền từ tổ tiên – những người đã có trải nghiệm tồi tệ với những thứ chúng ta sợ, ví dụ như rắn hoặc độ cao. Mặc dù chưa thể xác định chính xác được, nhưng có thể nỗi sợ bóng tối được di truyền từ cụ tổ xa xưa của chúng ta!
Sự sợ hãi không đến từ bóng tối
…Mà đến từ việc không thể nhìn thấy những mối đe dọa tiềm tàng. Bóng tối khiến chúng ta cảm thấy yếu ớt và trần trụi trước những gì chúng ta không nhìn thấy. Khi trẻ đi ngủ, có ít thứ có thể khiến suy nghĩ của trẻ bận bịu, cho nên trí tưởng tượng của trẻ bắt đầu bay xa. Kết quả là, chiếc bóng trong góc tối có thể biến thành một con quái vật đối với trẻ.
Ấn tượng sai lệch từ phim truyện
Mặc dù đa số những vụ trộm xảy ra vào ban ngày khi chủ nhà ra ngoài để làm việc, những bộ phim thường khắc họa việc kẻ trộm xâm nhập vào ban đêm. Những hình ảnh này có thể khiến trẻ liên tưởng bóng tối với những hành động phạm pháp hoặc đáng sợ. Để trí tưởng tượng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe tâm lý của trẻ, bạn hãy giới hạn trẻ xem những chương trình kinh dị hoặc thời sự.
Nên có một chế độ ăn uống khoa học
Bạn sẽ cảm thấy hơi kỳ lạ khi bữa ăn của trẻ có thể tác động đến việc nỗi sợ ảnh hưởng đến trẻ ra sao, nhưng tâm trí và cơ thể thực sự có liên kết với nhau và có những món ăn hỗ trợ giấc ngủ và giảm lo âu. Hãy tránh những bữa ăn đêm với thức ăn ngọt hoặc nhiều gia vị. Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn hạt hạnh nhân – có chứa dưỡng chất giúp thư giãn cơ thể như tryptophan (1 loại axit amin) và magiê. Trà hoa cúc và mật ong cũng có thể khiến tâm hồn thư thái và dễ chịu.
Giờ ngủ là để bồi đắp tình cảm
Nếu con bạn sợ bóng tối, trẻ có thể có thái độ tiêu cực về giờ ngủ – nghĩ rằng giờ ngủ rất đáng sợ và bất an. Hãy thêm những hoạt động bồi đắp tình cảm vào giờ đi ngủ để có thể biến giờ đi ngủ trở thành thời gian trẻ mong ngóng. Đọc truyện, hát ru, hay âu yếm trẻ có thể giúp trẻ bình tĩnh hơn và khiến giờ đi ngủ trở thành một trải nghiệm tích cực.
Đừng dựa vào nỗi sợ để dạy dỗ con trẻ
Khi bạn nhận thấy trẻ sợ bóng tối, bạn có thể sẽ nghĩ đến việc lợi dụng điều đó. “Nếu con không làm bài tập thì ông kẹ sẽ bắt con đấy!” hay “Con mà không ngủ thì bố/mẹ sẽ gọi ông kẹ tới bây giờ!”, những câu đùa này trông có vẻ vui và chẳng là gì đối với bạn, nhưng chúng có thể khiến trẻ gia tăng nỗi sợ một cách không lành mạnh. Hãy tránh việc sử dụng nỗi sợ làm công cụ dạy con.
Nỗi sợ là sự thật
Khi trẻ có một nỗi sợ hãi mạnh mẽ nhưng vô lý thì bố mẹ có thể cảm thấy cáu bẳn. Bạn biết chắc rằng chẳng có thứ gì dưới gầm giường cả, nhưng tối nào bạn cũng vật vã 2 tiếng đồng hồ chỉ để dỗ trẻ đi ngủ. Tuy nhiên, đừng coi thường nỗi sợ của trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng bạn thấu hiểu cảm xúc của trẻ, rồi hướng dẫn và động viên trẻ vượt qua nỗi sợ của mình, rằng bạn lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ trẻ.
Bên cạnh đó, nỗi sợ của trẻ cũng có thể đến từ mối đe dọa có thật. Có một câu chuyện về việc cô bé nọ luôn cảm thấy có bóng đen đi phía sau mình, ngay sau đó người bố đã nhanh chóng báo cảnh sát, hóa ra đó không phải là một con quái vật mà là tội phạm! Cho nên, đừng bao giờ xem nhẹ nỗi sợ của trẻ, cẩn tắc vô áy náy.
Việc cải thiện chậm rãi là bình thường
Bạn động viên trẻ đối diện với nỗi sợ là tốt, nhưng hãy cho trẻ thời gian để trẻ có thể chậm rãi vượt qua nó. Cung cấp cho trẻ những vật dụng có thể tạo cảm giác an toàn như chăn, thú bông hay đèn pin. Đổ đầy bình xịt bằng nước pha với một ít kim tuyến và bảo trẻ đó là “nước thần xua đuổi quái vật”. Hỏi trẻ rằng trẻ có muốn bạn đến phòng của trẻ hay không và đến với tần suất như thế nào mới có thể khiến trẻ cảm thấy an toàn. Để trẻ vượt qua nỗi sợ một cách tự nhiên nhất và cho trẻ biết rằng bạn luôn ở bên cạnh trẻ giúp trẻ đối mặt với nó.
Tham vấn ý kiến từ chuyên gia tâm lý
Trẻ sợ hãi bóng tối là một chuyện hết sức bình thường, và đa phần sẽ vượt qua nỗi sợ đó khi trẻ lớn lên. Nhưng đối với một số trẻ, nỗi sợ đó có thể biến thành nỗi ám ảnh gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống hàng ngày. Nếu bạn cảm thấy trẻ quá mức sợ hãi bóng tối (hay sợ thứ gì khác), hãy liên lạc với các chuyên gia tâm lý để nhận được lời khuyên phù hợp.
Nguồn: variationspsychology.com