Làm Sao Để Xây Dựng Mối Quan Hệ Tích Cực Với Con Cái?
Ngày đăng: 23/05/2022Mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Trẻ em học hỏi và phát triển tốt nhất khi được nhận tình cảm yêu thương chân thành, lành mạnh từ gia đình, nhất là cha mẹ. Điều này giúp trẻ hiểu về thế giới xung quanh, môi trường có an toàn hay không, mình có được yêu thương hay không, chuyện gì xảy ra khi mình khóc hay làm nũng… Bạn có thể xây dựng mối quan hệ tích cực với con thông qua các cách sau:
Mục lục:
Luôn quan sát và tìm cách hiểu con
Luôn quan sát để nhận ra và hiểu những khó khăn của con sẽ giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa bạn và con. Một số việc bạn có thể làm để hiểu con bạn hơn:
- Chấp nhận rằng bạn không thể luôn chỉ dẫn con mình mà hãy để trẻ tự suy nghĩ. Trẻ tưởng tượng những khối đồ chơi là người thật không có gì sai cả, không cần phải luôn khắt khe về việc sử dụng đồ đúng cách.
- Quan sát và khuyến khích việc con bạn đang làm mà không kèm theo sự phán xét. Ví dụ như, bạn có thể hỏi con “Những khối xanh này là chủ cửa hàng à? Và những khối đỏ đang đi chợ à?”
- Lắng nghe con và cố gắng hiểu cảm xúc thật của trẻ. Ví dụ như khi trẻ kể huyên thuyên một câu chuyện thật dài về việc xảy ra ở trường, có thể trẻ đang muốn biểu đạt sự yêu thích với cô giáo mới hoặc chỉ đơn giản rằng trẻ đang vui.
- Dừng lại và nghĩ kĩ về những ẩn ý trẻ đang cố thể hiện với bạn qua hành vi của trẻ. Nếu đứa con tuổi teen của bạn cứ lảng vảng ở bếp mặc dù không có gì để nói thì có thể trẻ chỉ đang muốn được gần gũi với bạn. Bạn có thể ôm trẻ hoặc để con giúp làm cơm mà không cần nói chuyện nhiều.
Cho trẻ có cơ hội chủ động
Ví dụ như:
- Bạn hãy để trẻ tự chơi và chỉ quan sát hoặc đáp lại hành động của trẻ. Việc này tốt cho trẻ nhỏ.
- Ủng hộ các ý tưởng của con bạn. Nếu đứa con lớn muốn tự tổ chức bữa ăn cho gia đình thì tại sao lại không chứ?
- Bạn có thể tìm hiểu về suy nghĩ và cảm xúc của con bạn bằng cách trao đổi ý kiến giữa hai người, ngay cả khi quan điểm của trẻ khác với bạn.
Dành nhiều thời gian hơn để xây dựng mối quan hệ tích cực với trẻ
Thời gian riêng tư giữa cha mẹ và con cái giúp bạn và trẻ hiểu nhau hơn. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ và những thay đổi trong cuộc sống của mình với trẻ, từ đó xây dựng lòng tin và mối quan hệ vững chắc hơn. Những thời gian riêng tư này có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Ví dụ như khi bạn tắm cho trẻ và cười đùa cùng con hay nói chuyện phiếm khi cùng đi dạo phố.
Những khoảnh khắc này là cơ hội để bạn và trẻ mở lòng với nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui hay những tiếp xúc thân mật. Bạn hãy cất đi điện thoại và những phiền phức nhỏ nhặt của cuộc sống và dành thời gian cho con để trẻ hiểu được tình cảm chân thành của bạn. Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những khi bạn không có thời gian cho con, vậy nên bạn càng cần phải quý trọng những khoảnh khắc nhỏ nhoi đáng quý ấy.
Cách để xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng cho một quan hệ gia đình hài hoà tích cực
Sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng để xây dựng một gia đình hài hoà tích cực. Khi còn bé, trẻ phụ thuộc vào cha mẹ để được thoả mãn nhu cầu về cả thể xác và tinh thần, sự bảo hộ của bạn giúp trẻ tự tin khám phá thế giới. Khi trẻ dần lớn lên, sự tôn trọng và tin tưởng sẽ được xây dựng từ cả hai phía. Bạn có thể thúc đẩy mối quan hệ hài hoà bằng các cách sau:
- Luôn sẵn sàng giúp đỡ khi con cần. Dù là đi theo đỡ trẻ ngã khi bước những bước đầu đời hay đón trẻ sau một ngày học hành vất vả trên trường, hãy để con thấy bạn luôn ở đó giúp đỡ khi cần.
- Luôn nói là làm, hãy để trẻ biết trẻ có thể tin tưởng bạn. Nếu bạn đã hứa sẽ tham gia vào hoạt động của trường thì hãy cố gắng có mặt bằng bất cứ giá nào.
- Thấu hiểu con bạn và quý trọng con người thật của trẻ. Nếu con bạn thích bóng đá, hãy khuyến khích trẻ và tìm hiểu những cầu thủ giỏi mà con thích. Hãy tôn trọng sở thích của trẻ, cho con biết mình có thể chia sẻ niềm đam mê với bạn.
- Hãy lắng nghe kỹ ý kiến của con mà không có những nhận xét phiến diện ngay cả khi trẻ không cùng quan điểm với bạn. Điều này cho trẻ biết rằng bạn sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ với những vấn đề khó xử.
- Chấp nhận sự thay đổi trong mối quan hệ giữa bạn và con trong quá trình trẻ trưởng thành, cùng sự thay đổi trong nhận thức và suy nghĩ của trẻ. Ví dụ như đứa con tuổi teen của bạn có thể không còn thích bạn đưa đón khi đi chơi với bạn bè như lúc còn bé nữa.
- Hãy lập ra những quy tắc bất thành văn cho cả gia đình, thật rõ ràng và công bằng để trẻ hiểu được thái độ của bạn sẽ luôn nhất quán.
Nguồn: raisingchildren.net.au