Khơi Gợi Niềm Yêu Thích Khoa Học Cho Trẻ
Ngày đăng: 15/03/2022Khi nhắc đến khoa học, mọi người thường nghĩ đến phòng thí nghiệm, cốc đong, ống nghiệm, dung dịch… nhưng khoa học rộng lớn hơn thế nhiều. Khoa học là quá trình tìm tòi, quan sát, suy luận và thử nghiệm – những thứ mà trẻ làm hàng ngày! Chơi những trò chơi khoa học có thể nuôi dưỡng tư duy khoa học cho trẻ ngay từ khi còn bé. Khuyến khích chơi những trò chơi khoa học như thí nghiệm đơn giản, lên kế hoạch hoạt động, chơi tự do… có rất nhiều cách để nhen nhóm niềm yêu thích khoa học của trẻ.
Thực hành thí nghiệm đơn giản
Những thí nghiệm khoa học không nhất thiết phải phức tạp mà có thể đơn giản như trộn màu vẽ hay đổ nước qua lại giữa các bình. Nấu ăn cũng là một việc thú vị để giới thiệu cho trẻ về khoa học, nhưng hãy nhớ đảm bảo an toàn nhé.
Trò chơi tự do là trò chơi khoa học
Khi trẻ được tiếp xúc càng nhiều đồ chơi trong khoảng thời gian chơi tự do, trẻ sẽ quyết định chơi cái nào và bằng cách nào, thường thì như vậy trẻ sẽ được tự trải nghiệm và tự giải quyết vấn đề. Chơi tự do có thể là chơi một mình, chơi với bố mẹ hoặc với những đứa trẻ khác. Hãy để trẻ tự quyết định, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những gì trẻ nghĩ ra đấy!
Cung cấp nhiều loại đồ chơi và vật dụng khác nhau
Khoa học sử dụng rất nhiều đồ vật và dụng cụ bằng nhiều cách khác nhau để tạo ra điều mới. Cung cấp cho trẻ nhiều loại đồ chơi (hình khối, xe đồ chơi, tranh ghép hình,…), nguyên liệu (giấy, hạt cườm, nước,…) và vật dụng hàng ngày (hộp chứa thức ăn, thùng các tông, đèn pin,…) để khuyến khích trẻ trải nghiệm, quan sát và giải quyết vấn đề. Bạn có thể thay đổi đồ chơi và vật dụng định kỳ để tạo sự mới mẻ cho trẻ.
Đừng ngại việc bị bẩn
Nhiều trẻ nghịch ngợm thích dính bẩn, điều này có thể khơi gợi ra nhiều khám phá khoa học thú vị.Đừng ngại phải dọn dẹp, để cho trẻ chơi đùa với màu vẽ không độc hại, nghịch nước, hay đào bùn đất (tất nhiên là dưới sự giám sát của bố mẹ). Cho trẻ làm vườn như trồng một cây nhỏ cũng là hoạt động khoa học đáng kể đấy! Dính bẩn một chút không chỉ để trẻ khám phá điều mới mà còn tăng sức đề kháng khi tiếp xúc với các đồ vật, nguyên liệu khác nhau.
Hãy chơi cùng trẻ
Chơi cùng trẻ, tương tác nhiều hơn để giúp trẻ nâng cao kỹ năng giao tiếp và có thể suy nghĩ những thứ mà trẻ không thể tự mình nghĩ ra được. Bạn có thể vừa chơi vừa đặt câu hỏi cho trẻ, để khiến trẻ suy nghĩ sâu hơn và phát triển tư duy khoa học.
Đến địa điểm mới
Càng có nhiều trải nghiệm, trẻ càng nhìn, nghe, nếm, ngửi và tiếp xúc được nhiều hơn. Đi vòng quanh khu phố, đến thư viện, hay dạo chơi ở công viên đều có thể làm tăng thêm trải nghiệm cho trẻ. Bằng cách áp dụng những mẹo này, bạn có thể tạo hứng thú và tò mò về khoa học cho trẻ, tạo nền tảng cho các khám phá và thử nghiệm phức tạp hơn khi trẻ lớn!
Nguồn: Baby Sparks