Chiếc Bánh In 3D Đầu Tiên Có Thể Ăn Được!
Ngày đăng: 07/07/2023Các kỹ sư ở Đại học Columbia đã in 3D thành công một cái bánh phô mai ăn được
Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật in 3D cho nhiều loại sản phẩm. Từ thiết bị điện tử, đá quý, cho đến nội tạng nhân tạo. Hiện tại, các kỹ sư cơ khí tại Đại học Columbia ở New York đã tạo ra được một lát bánh phô mai được làm từ 7 nguyên liệu bằng cách in 3D. Đây là số lượng nguyên liệu nhiều nhất được sử dụng cho tới nay để “in” thực phẩm.
Đây cũng là lần đầu tiên một loại thực phẩm được “lắp ghép” hoàn toàn bởi máy in 3D. Trước kia, thực phẩm in 3D cần phải thêm bước thực hiện như nấu hoặc sấy khô trước khi chúng có thể ăn được.
Jonathan Blutinger và các cộng sự bắt đầu thực hiện bằng cách để 7 loại nguyên liệu sẵn sàng cho việc “in” trước. Nutella, bơ đậu phộng và mứt dâu thì không cần phải sơ chế. Chúng đủ mềm để có thể đi qua ống máy in. Chuối cũng vậy, chỉ cần dầm nát chúng là được. Bánh quy thì tốn công hơn, chúng cần phải được nghiền và trộn với nước và bơ để tạo ra hỗn hợp kết dính.
Các kỹ sư phải thử 8 lần để có thể “in” được một lát bánh đạt chuẩn
Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, các nguyên liệu được đặt vào máy in 3D và được “in” từng lớp để tạo ra một lát bánh phô mai. Thử thách lớn nhất chính là giữ được hình dạng của món ăn. Các nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng các nguyên liệu cứng hơn để hỗ trợ cho các nguyên liệu mềm. Phải thử 8 lần thì họ mới tìm được công thức đúng.
Sản phẩm cuối cùng có một lớp hỗn hợp bánh quy dẻo trải dài cả bánh. Sau đó là lớp bơ đậu phộng và Nutella. Mỗi phần được phủ bởi chuối xay nhuyễn hoặc mứt dâu. Bước cuối cùng chính là sử dụng công nghệ laser mới để nướng lớp bánh quy. Mất tổng cộng 30 phút để làm xong lát bánh.
“Khi bạn ăn nó, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đến theo những luồng khác nhau,” – Blutinger nói với tờ New Scientist. “Và tôi nghĩ đó là do kết cấu xếp lớp của nó.”
Các nhà nghiên cứu công bố kết quả của họ trên tờ NPJ Science of Food vào ngày 21 tháng 3 năm 2023. Họ tin rằng công nghệ in 3D có thể được sử dụng để tạo ra những thực phẩm độc đáo và lành mạnh. Công nghệ này có thể tạo ra lợi ích cho thị trường thực phẩm chay. Kết cấu và hương vị sẽ được nghiên cứu kỹ càng để có thể giống với thịt thật. Công nghệ này cũng có thể giúp tạo ra các món ăn đặc biệt cho người đang trong chế độ ăn kiêng đặc thù.
Nguồn: dogonews.com, NewAtlas.com, CNN.com, CBSnews.com,.NewScientist.com