12 Điểm Khác Nhau Giữa Vận Động Tinh Và Vận Động Thô
Ngày đăng: 13/10/2022Những người làm việc trong ngành giáo dục trẻ em và rất nhiều bố mẹ hẳn là đã nhận thấy điểm khác biệt chính giữa vận động thô và vận động tinh. Nhưng bạn có biết rằng có rất nhiều điểm khác biệt khác nữa không?
Biết được những điểm khác biệt này sẽ giúp bạn hiểu được rất nhiều thứ, bao gồm sự khác nhau giữa cách phát triển của bé trai và bé gái, phương pháp học tập phù hợp với cả hai giới, và cách xây dựng các hoạt động ngoài trời, trong nhà để phát triển cả hai loại vận động thô và vận động tinh.
Vậy, điểm khác biệt chính giữa vận động tinh và vận động thô là gì?
Vận động tinh là các hoạt động nhỏ thường sử dụng bàn tay và ngón tay. Vận động thô là các hoạt động lớn hơn, cần phải sử dụng các bộ phận cơ thể như cánh tay, thân mình, cẳng chân và bàn chân.
Đây là cách phân biệt đơn giản, nhưng trên thực tế có nhiều sự khác biệt về bản chất trong hai loại vận động này. Dưới đây là 12 sự khác biệt và một số mẹo giúp bạn có thể nhận biết rõ ràng hơn.
Mục lục:
Giới tính
Có một sự khác biệt lớn trong việc phát triển hai loại vận động tinh và vận động thô ở bé trai và bé gái.
Thông thường, bé trai có xu hướng phát triển vận động thô nhanh hơn bé gái. Ngược lại, bé gái sẽ phát triển kỹ năng vận động tinh nhanh hơn bé trai cùng tuổi.
Quá trình phát triển của mỗi người đều bắt đầu từ vận động thô, sau đó mới tới vận động tinh (tất nhiên chúng ta sẽ sử dụng vận động thô cả đời). Các nghiên cứu cho thấy bé trai thường mất nhiều thời gian hơn để sử dụng được kỹ năng vận động tinh hiệu quả sau khi đã học được vận động thô.
Kỹ năng vận động thô rõ ràng rất quan trọng, nhưng kỹ năng vận động tinh là một cột mốc lớn trong việc giáo dục trẻ nhỏ bởi vì phải tập viết chữ, các bé gái thường có lợi thế hơn trong việc này.
Ở thời điểm này, sai sót và chậm trễ có thể thấu hiểu và chấp nhận được. Về mặt tự nhiên, các bé trai thường cần nhiều thời gian hơn để phát triển vận động tinh. Bạn cần phải cho trẻ đủ thời gian để có thể phát triển kỹ năng vận động tinh một cách phù hợp.
Lời khuyên: các bé trai cần nhiều thời gian hơn để phát triển kỹ năng vận động tinh, và phát triển một cách từ từ – trẻ sẽ cần rất nhiều sự luyện tập những việc cần vận động tinh đơn giản cho đến khi trẻ sẵn sàng thử những điều khó hơn.
Các bộ phận cơ thể được sử dụng
Có những bộ phận cơ thể rất dễ để nhận biết trong vận động tinh và vận động thô như ngón tay, cánh tay,… nhưng có những bộ phận ít được chú ý đến hơn, ví dụ như:
Vận động tinh
Bạn có nhận ra rằng sử dụng cơ môi cũng là vận động tinh hay không? Khi chúng ta bĩu môi hay thể hiện cảm xúc trên mặt, đó chính là vận động tinh.
- Lưỡi – Những hoạt động ăn uống hay nói chuyện cũng là vận động tinh.
- Ngón chân – Chúng ta cũng có thể sử dụng chúng để nhặt đồ vật.
Vận động thô
- Cẳng chân – Chạy, nhảy, nhún, bơi,…
- Cánh tay – Giữ thăng bằng, chạy, ném, kéo, đẩy…
- Thân – Được sử dụng cho các hoạt động toàn thân như bơi, đi bộ, chạy, ném, đẩy,…
- Bàn chân – Nhảy, nhún, đá, đi bộ, chạy, nhảy lò cò,…
Có sử dụng đồ vật hay không
Các hoạt động vận động tinh thường phải đi kèm các đồ vật (như bút, kéo,…), nhưng vận động thô thì không.
Vận động thô
Vận động thô được chia làm 2 loại – kỹ năng vận động và kỹ năng điều khiển đồ vật. Kỹ năng vận động không cần nhiều kỹ thuật và vật dụng, trong khi kỹ năng điều khiển đồ vật thì có.
Phần lớn các kỹ năng vận động thô là chỉ vận động. Ví dụ cho kỹ năng vận động: chạy, nhảy lò cò, đi bộ, nhảy, nhún, bò, bơi,… và rất nhiều hoạt động khác.
Tuy nhiên, những hoạt động vận động thô sử dụng kỹ năng điều khiển đồ vật thì ít hơn. Ví dụ: xây dựng, leo trèo, ném, bắt, kéo, đẩy,…
Vận động tinh
Ngược lại với vận động thô, đa phần các hoạt động vận động tinh cần phải sử dụng vật dụng.
Ví dụ: xỏ dây, đan dây, đánh dấu, cắt (bằng kéo), dán, nhặt đồ vật nhỏ,…
Không gian
Các hoạt động vận động tinh và vận động thô rất khác biệt, vì thế nên môi trường dành cho chúng cũng phải khác biệt để có thể phù hợp với từng loại hoạt động.
Sự khác biệt lớn nhất có thể là về không gian. Không gian dành cho hoạt động vận động thô thường phải lớn, nhưng hoạt động vận động tinh thì có thể thực hiện được ở mọi không gian từ bé đến lớn.
Hoạt động vận động thô có thể bao gồm:
- Rất nhiều sự di chuyển nhanh;
- Tìm tòi khám phá đồ vật lớn;
- Khám phá không gian rộng lớn;
- Khám phá sự khác biệt trong cách mà cơ thể di chuyển.
Mặt khác, hoạt động vận động tinh thì thiên về:
- Di chuyển với biên độ nhỏ;
- Tìm tòi khám phá đồ vật nhỏ;
- Di chuyển trong một khoảng không gian giới hạn hoặc nhỏ.
Không gian hoàn hảo cho hoạt động vận động thô là không gian rộng lớn và an toàn. Có thêm các vật dụng khuyến khích vận động thô thì càng tốt, ví dụ như bậc thang leo trèo.
Ngược lại, hoạt động vận động tinh có thể được thực hiện ở hầu hết mọi nơi, nhưng tốt nhất là ở trong không gian nhỏ và riêng tư. Đặc biệt, nếu không gian đó không có quá nhiều thứ gây mất tập trung thì càng tốt. Ví dụ, hoạt động chơi với bảng Geoboard (giáo cụ dạy toán học) thì nên được thực hiện ở một không gian yên tĩnh và tập trung.
Hoạt động “vẽ vời”
Các kiểu vẽ vời khác nhau sẽ thúc đẩy sự phát triển của vận động tinh hoặc vận động thô.
Đối với vận động thô, đó sẽ là hoạt động cần sử dụng cả cánh tay, vai và thân mình. Ví dụ như:
- Sử dụng lụa hoặc dây để múa trong không trung;
- Dùng cọ để sơn hàng rào, sơn tường;
- Vẽ trên tường, bàn ghế, mặt đất hay bảng đen;
- Viết chữ trên bảng đen.
Còn đối với vận động tinh, những hoạt động vẽ vời sẽ tập trung vào ngón tay, bàn tay và cổ tay. Ví dụ:
- Viết chữ;
- Vẽ tranh trên giấy, đồ nét theo hình vẽ có sẵn;
- Trang trí thư và bì thư;
- Viết nhật ký.
Kích thước dụng cụ và đồ vật
Dụng cụ với những kích thước khác nhau sẽ hỗ trợ cho việc phát triển cả vận động thô và vận động tinh. Bố mẹ có thể sử dụng nhiều loại dụng cụ to nhỏ khác nhau trong khu vui chơi của trẻ.
Đối với các hoạt động xây dựng:
- Vận động thô: ván, thùng carton, máng, ống, pallet,…
- Vận động tinh: lego, khối gỗ, mối nối, mô hình 3D,…
Đối với các trò chơi liên quan đến cát:
- Vận động thô: dụng cụ xúc cát, xô, bàn cào,…
- Vận động tinh: khuôn, vỏ sò, đá cuội, phễu, muỗng (thìa),…
Đối với các trò chơi liên quan đến nước:
- Vận động thô: cái xô, máng, ống nước, bình tưới,…
- Vận động tinh: cần câu cá, gáo nhỏ, phễu, xi-lanh,…
Và còn nhiều hoạt động trò chơi khác thúc đẩy phát triển cả hai loại vận động như nặn đất sét, chơi với bóng, chơi xúc xắc, board game,…
Rủi ro có thể gặp phải
Bất kể hoạt động nào cũng có rủi ro, và bố mẹ phải lường trước được điều đó để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất trước khi cho trẻ chơi. Rủi ro gặp phải có sự khác biệt rất lớn giữa các hoạt động vận động thô và vận động tinh.
Vậy rủi ro thường gặp nhất khi vận động tinh là gì? Đương nhiên là mắc nghẹn. Bởi vì trẻ sử dụng các loại đồ chơi nhỏ nên luôn có rủi ro rằng trẻ sẽ nuốt vào miệng. Để hạn chế tối đa rủi ro này, bố mẹ nên:
- Cân nhắc mức độ giám sát cần thiết với mỗi loại đồ chơi;
- Giám sát trẻ kỹ càng hơn nếu như con bạn có xu hướng bỏ đồ vật vào trong miệng, đặc biệt là trẻ tự kỷ;
- Sử dụng đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Rủi ro thường gặp khi vận động thô thì khác hoàn toàn, chúng thường là:
- Trượt chân khi đang leo trèo;
- Vấp ngã khi chạy nhảy;
- Va phải đồ vật nào đó;
- Bị chấn thương khi chơi thể thao;
- Tự tổn thương khi cố nâng, kéo hoặc đẩy.
Vậy nên, bố mẹ cần phải quản lý rủi ro hiệu quả bằng cách giám sát trẻ theo mức độ tùy từng loại trò chơi, và hạn chế để trẻ tự chơi một mình.
Hoạt động ngoài trời và trong nhà
Môi trường dành cho hoạt động vận động thô và hoạt động vận động tinh thường khác nhau.
Về tổng quan, hoạt động ngoài trời là lý tưởng cho vận động thô, bởi vì cần phải sử dụng nhiều không gian và các thiết bị, đồ vật lớn. Như thế, không gian trong nhà sẽ khá là bất tiện và không đủ an toàn cho hoạt động vận động thô.
Hoạt động vận động tinh thì linh hoạt hơn, có thể thực hiện ngoài trời lẫn trong nhà, nhưng thường thì sẽ phù hợp hơn với môi trường trong nhà. Bởi vì dụng cụ sử dụng cho hoạt động vận động tinh thường nhỏ và yêu cầu độ tập trung cao hơn, nên môi trường yên tĩnh và ít các yếu tố gây nhiễu sẽ là môi trường lý tưởng. Điều này cũng dễ khiến trẻ nhập tâm hơn vào trò chơi, cũng giống như hiện tượng xây dựng tinh thần trong thể thao vậy.
Tất nhiên thì hoạt động vận động tinh có thể được thực hiện ngoài trời, còn hoạt động vận động thô thì có thể được thực hiện trong nhà, nhưng với tần suất ít hơn.
Vận động thô được sử dụng gần như cả cuộc đời chúng ta. Chúng hiện hữu mọi lúc mọi nơi – đi bộ, chạy nhảy, cúi người, vươn vai,… Tuy nhiên, để phát triển chúng hiệu quả nhất thì nên thực hiện ở ngoài trời, nơi có nhiều không gian.
Tốc độ phát triển
Tốc độ phát triển của vận động tinh và vận động thô ở trẻ là khác nhau, việc này khá là rõ ràng và có thể nhận biết qua quan sát thông thường.
Nói một cách đơn giản hơn, trẻ có thể thành thạo nhanh chóng các hoạt động cần vận động thô như đi, đứng, chạy, nhảy khi còn rất bé, nhưng chỉ khi trẻ được 6-7 tuổi thì mới có thể sử dụng vận động tinh một cách mượt mà.
Mọi người thường nghĩ rằng trẻ sẽ phát triển vận động thô trước rồi mới tới vận động tinh, nhưng trên thực tế, hai kỹ năng này phát triển đồng thời. Kể từ khi được 3 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu phát triển cả hai kỹ năng cùng một lúc.
Vận động thô và vận động tinh có tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển, nhưng kỹ năng vận động tinh thông thường sẽ phát triển chậm hơn kỹ năng vận động thô khoảng vài năm.
Độ lớn của hoạt động
Hiển nhiên là vận động thô thì về những hoạt động lớn và vận động tinh là về những hoạt động nhỏ.
Một số cách để phát triển vận động thô:
- Có đủ không gian ngoài trời cho trẻ thỏa thích vui chơi;
- Có nhiều dụng cụ thể dục lớn;
- Tạo điều kiện cho trẻ khám phá, ví dụ như chơi cát, quét lá,…’
- Khuyến khích chơi với bóng;
- Trang bị các dụng cụ như dây nhảy, vòng lắc,…
Và phát triển vận động tinh bằng cách:
- Khuyến khích trẻ tự mặc quần áo, kéo khóa kéo, mang giày,…
- Khuyến khích trẻ tự ăn;
- Tìm hiểu và tạo cơ hội cho trẻ thực hiện những hoạt động vận động tinh mà trẻ yêu thích như viết, vẽ, cắt dán,…
- Trang bị đầy đủ các dụng cụ nhỏ an toàn cho trẻ như bút, thước, kéo,…
Khả năng giao tiếp
Đây cũng là một sự khác biệt lớn giữa hai giới tính.
Một sự thật bất ngờ là gần 70% trẻ em gặp vấn đề về giao tiếp là bé trai. Theo ITS (Integrated Treatment Services – Trung tâm điều trị tích hợp) tại Anh Quốc, trong số 1,5 triệu trẻ em gặp vấn đề về giao tiếp ở Anh thì có 1 triệu trẻ là bé trai.
Thông thường, bé gái sẽ phát triển kỹ năng vận động tinh nhanh hơn bé trai cùng tuổi. Vận động tinh có ảnh hưởng quan trọng đến lời nói và giao tiếp bởi vì nó bao gồm sự vận động nhỏ của cơ lưỡi và môi để tạo ra âm thanh.
Bên cạnh đó, bởi vì bé trai phát triển vận động thô tốt hơn bé gái cùng tuổi, tỷ lệ các bé gái chậm phát triển vận động thô cao hơn một chút (tuy nhiên điều này ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống).
Các trò chơi khuyến khích vận động
Các loại trò chơi dành cho vận động thô và vận động tinh thường khác nhau.
Những trò chơi khuyến khích vận động thô thì:
- Tạo cơ hội cho trẻ chạy, nhảy, leo trèo;
- Gồm các trò chơi với bóng, vòng, dây nhảy;
- Sử dụng xe đạp, xe trượt (scooter), xe hơi đồ chơi;
- Chơi với mô hình vật liệu xây dựng, thùng carton, khối gỗ.
Và những trò chơi khuyến khích vận động tinh thì:
- Chơi xỏ dây và may vá;
- Sử dụng các dụng cụ để tạo hình đất sét hay cát;
- Chơi với các đồ vật nhỏ;
- Sử dụng đũa, nhíp hay kẹp.
Tất nhiên trò chơi hỗ trợ phát triển cả vận động thô và vận động tinh là tốt nhất, nhưng thường thì cần phải có sự trợ giúp của bố mẹ.
Để thêm hoạt động vận động tinh vào trò chơi sử dụng chủ yếu vận động thô và ngược lại, thì cần phải sử dụng một chút tưởng tượng. Ví dụ: Nếu trẻ tham gia vào các hoạt động mô phỏng xây dựng ngoài trời thì trẻ có thể vẽ sơ đồ thiết kế cho chúng không? Không gian chơi cát và nước của trẻ có thể sử dụng được cả dụng cụ to và nhỏ được không?
Kết luận
Vận động thô và vận động tinh có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng cũng rất khác biệt. Để phát triển cả hai thì cần có kế hoạch, tư duy, không gian và dụng cụ hỗ trợ khác nhau, bố mẹ lưu ý nhé!
Nguồn: earlyimpactlearning.com