Nên Làm Gì Khi Con Bạn Luôn Đổ Lỗi Cho Người Khác?
Ngày đăng: 19/08/2022Một bộ phận thanh thiếu niên có thói quen đóng vai nạn nhân khi muốn trốn tránh trách nhiệm. Khi trẻ nói “Mẹ không hiểu con gì cả“, trẻ đang cố ý đặt mình vào vai trò người bị hại, bị hiểu lầm, hoặc là “Cô xấu tính quá, đì con, con không muốn làm bài cô cho”, trẻ đang đẩy trách nhiệm của việc mình không làm bài tập lên giáo viên. Hay cả khi trẻ nói “Chị ấy trêu con nên con mới đánh chị ấy” cũng là một biểu hiện của tâm lý nạn nhân, vì trẻ đang sử dụng một bên thứ ba để biện hộ cho việc trẻ làm trái lời bạn. Kiểu suy nghĩ tự đặt mình vào vị trí nạn nhân này là tiền đề cho việc trẻ kiếm cớ, đổ lỗi cho người khác để biện minh cho hành vi của mình.
Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người cả già lẫn trẻ đã thành thạo áp dụng lối suy nghĩ này để hợp thức hoá hành động của mình.
Điều nguy hiểm nhất của tâm lý nạn nhân nằm ở việc cốt lõi của nó là lòng tin rằng người bị hại có quyền lách luật. Hay nói cách khác, nhiều người nghĩ rằng nạn nhân có thể không chịu trách nhiệm cho hậu quả mà hành động của họ gây ra. Dù sao thì lỗi là ở người hại họ, họ không cần phải có trách nhiệm và kiểm điểm bản thân. Đối với những người có tuổi thơ bất hạnh, có một số ý kiến cho rằng họ đương nhiên khó có thể lớn lên thành người tử tế, mà đó cũng không phải lỗi của họ.
Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một hệ luỵ của xã hội ngày nay: xung quanh ta đầy rẫy những người vô trách nhiệm, luôn nghĩ bản thân là nạn nhân của những hành động bất chính. Nếu xem xét kĩ sẽ thấy rằng cách nghĩ này bắt nguồn phần lớn từ một số người lãnh đạo, tinh anh trong xã hội nhưng lại luôn cho rằng những lỗi lầm của mình là do tác động của người khác, chứ không phải là trách nhiệm của chính họ. Một sự thật đáng buồn là kiểu suy nghĩ nạn nhân này xuất hiện trong mọi tầng lớp của xã hội.
Mục lục:
Khi trẻ luôn nghĩ mình là nạn nhân
Một lý do trẻ dễ trầm luân vào tâm trạng người bị hại là vì lối suy nghĩ này là một cách giúp trẻ cảm thấy độc lập với cha mẹ. Thay vì luôn là người được bảo hộ, trẻ bắt đầu nghĩ mình là người bị hại trong mối quan hệ với cha mẹ. Trẻ cảm thấy những quy tắc gia đình, giới hạn và kỳ vọng của cha mẹ trở thành gông xiềng trói chặt mình.
Đứng trên góc nhìn của trẻ, thanh thiếu niên có thể nói là độ tuổi phát triển phức tạp nhất trong đời người. Đây là thời điểm nhạy cảm, sẽ xuất hiện nhiều sự thay đổi cả về thể chất và tinh thần, dễ dàng làm trẻ sinh ra những cảm xúc mãnh liệt. Chưa kể, những trách nhiệm mà trẻ phải chịu khi chuyển lên trung học cơ sở và phổ thông lớn hơn rất nhiều so với khi còn là học sinh tiểu học. Một học sinh 16 tuổi đã phải bắt đầu tự lo chuyện di chuyển hay tiêu tiền thế nào cho hợp lý, nhưng 4 năm trước vẫn chỉ là một học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đón tận nơi mà thôi. Cha mẹ cần phải nhớ rằng cách nhìn nhận thời gian của mình khác với trẻ. Nhưng điều này không có nghĩa là trẻ không cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Ngược lại, cha mẹ cần nhận thức rõ xu hướng sa vào tâm lý nạn nhân của trẻ để phòng ngừa.
Không có gì lạ khi trẻ cảm thấy an tâm trong vai trò người bị hại. Thậm chí, khi bạn thách thức lập trường đó, trẻ có thể sẽ cảm thấy bạn hơi lập dị. Trẻ có thể nói “Bố/Mẹ không hiểu con” khi bạn chất vấn quan điểm của trẻ. Thực chất có nhiều cha mẹ chấp nhận thái độ đó của con, họ xem con mình là đứa trẻ đáng thương dễ bị bắt nạt và tự đứng ra giải quyết các vấn đề cho con. Thực tế cho thấy, cách làm này sẽ tạo ra nhiều tình huống khó xử trong gia đình.
Khi trẻ nói “Mẹ không hiểu con”, trẻ đang thách thức bạn. Đừng thuận theo, mà hãy nói “Mẹ có thể không hiểu con, nhưng mẹ hiểu rằng con có bài tập phải làm và con sẽ không được chơi điện thoại hay ngồi máy đến khi làm xong bài“. Hoặc bạn có thể nói: “Có thể mẹ chưa thấu hiểu con được, nhưng điều quan trọng là con hiểu được những gì mẹ muốn con làm“. Đừng cãi nhau với con về các vấn đề lan man như ai thương ai hay ai hiểu ai, hãy giữ vững quan điểm của mình.
Suy nghĩ mình là người bị hại là một lối tư duy sai lầm
Tâm lý nạn nhân là một phần của phạm vi rộng hơn của cái mà chúng ta gọi là “lỗi tư duy”. Tư duy cũng có thể sai lầm, tương tự như lỗi lầm khi làm toán hay chính tả. Có người luôn chắc chắn mình đúng trong quá trình giải một bài toán, nhưng cách làm và kết quả của họ là sai.
Cũng như vậy, có người sử dụng cách suy nghĩ sai lệch và rút ra những kết luận sai về cuộc sống. Nhưng bản thân họ vẫn nghĩ là mình đúng. Một số lỗi tư duy của trẻ gồm nói dối, bao biện, đổ lỗi cho người khác và luôn đặt mình vào vị trí người bị hại. Lối suy nghĩ mình là nạn nhân này bao trùm cả mạch tư duy của trẻ, làm cho trẻ không muốn nhận lỗi hay nhận trách nhiệm với việc trẻ không thích.
Thực ra, khi trẻ bao biện như thế này, trẻ không nhất định là đang cố ý đánh lạc hướng bạn, mà nhiều khi trẻ thực lòng tin vào lời nói và hành động của mình. Trẻ có thể bị thuyết phục bởi chính những lý lẽ biện minh cho bản thân và tự tin là mình đúng. Nhưng điều này không có nghĩa bạn nên để trẻ tiếp tục như vậy, mà nên thật nghiêm khắc và bắt trẻ phải chịu trách nhiệm. Cho phép trẻ tiếp tục trốn tránh bằng những suy nghĩ kiểu này là rất nguy hiểm, trẻ sẽ không học được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống trưởng thành.
Thiết lập thói quen tự giác
Cha mẹ nên lập ra một môi trường rèn luyện ý thức tự giác ở nhà. Dù bên ngoài có ảnh hưởng thế nào, khi về nhà các thành viên trong gia đình nên luôn có trách nhiệm cá nhân, chứ không sa vào những lối suy nghĩ sai lầm. Những hành vi như bao biện, đổ lỗi cho người khác để mình trở thành người bị hại sẽ không được phép tồn tại, đặc biệt khi liên quan đến những vấn đề như làm việc nhà hay bài tập, cách đối nhân xử thế, tinh thần trách nhiệm. Ở trong nhà bạn, trẻ phải có ý thức tự giác về những hành vi của mình.
Một phần của việc xây dựng văn hoá tự giác của gia đình là bạn phải cho trẻ thấy rõ giá trị con người của bạn, và sống đúng với những giá trị ấy. Nếu bạn xem trọng việc có trách nhiệm thì bạn không chỉ nên nói rõ cho trẻ, mà bản thân bạn phải nghiêm túc làm gương cho con và yêu cầu con noi theo. Nếu bạn coi trọng việc trung thực thì đừng nói dối, hoặc bạn muốn dạy con giá trị của lòng tin thì hãy giải thích rõ với trẻ lý do cho các hành động của mình. Hãy cho con thấy rằng “Đây là những giá trị của gia đình ta và cách chúng ta sống”. Dù tiếp xúc với bao nhiêu thứ ngoài xã hội, thì về nhà trẻ vẫn phải tuân theo giá trị nguyên tắc của bạn. Bạn buộc trẻ phải chịu trách nhiệm bằng việc đặt ra các giới hạn, khen thưởng khi trẻ thể hiện thái độ tự giác và phạt khi trẻ biện minh. Bạn cũng có thể dạy dỗ con qua các cuộc thảo luận về hành vi, và những lựa chọn khác nếu tình huống tương tự xảy ra lần nữa.
Trẻ chỉ là nạn nhân khi bạn cho phép trẻ trở thành nạn nhân
Sự thật là, trẻ chỉ là nạn nhân khi bạn cho phép trẻ trở thành nạn nhân. Khi bạn chấp nhận những cái cớ biện minh của trẻ thì trẻ sẽ thật sự trở thành người bị hại. Bạn nên chất vấn suy nghĩ này của con bằng các câu hỏi như:
“Con đang kiếm cớ để mắng chị chỉ vì một cái liếc xéo.”
“Mấy lời biện minh này không có nghĩa lý gì khi con vẫn chưa quét sân. Mẹ muốn con đi quét ngay.”
“Đổ lỗi cho giáo viên không giải quyết được việc con vẫn chưa làm bài tập.”
Những câu nói như thế là công cụ tốt của các bậc cha mẹ. Trong ví dụ cuối, đừng cãi lại con hay nói đỡ cho giáo viên như một số phụ huynh hay làm, mà hãy chỉ nói “con đang đổ lỗi cho cô à”. Bằng cách này, bạn xác nhận rõ lỗi tư duy của trẻ. Hãy trả lời: “Cho dù lỗi là của cô thì vẫn không giải quyết được vấn đề của con, đó là con vẫn chưa làm bài tập.”
Ví dụ, cuộc đối thoại mà bạn có thể có với con sau khi nhận ra trẻ chưa nộp bài tập nào cả một tuần rồi:
Bạn: “Thầy nhắn tin cho mẹ, thầy nói cả tuần nay con chẳng nộp bài tập nào cả.”
Trẻ: “Tại thầy tệ lắm, thầy chẳng nói rõ yêu cầu của bài mà đã bắt con nộp rồi.”
Bạn: “Con đang nói là tại thầy nên con mới không nộp bài tập à.”
Trẻ: “Không phải lỗi của con! Con nói rồi, thầy tệ lắm.”
Bạn: “Mẹ không nói đây là lỗi của ai. Mẹ đang nói là con có trách nhiệm làm bài và nộp bài, nếu có khó khăn thì hỏi cha mẹ hoặc giáo viên giúp đỡ. Con không thể không làm rồi chỉ nói là tại thầy được.”
Bạn cần phải thay đổi lỗi tư duy ngay trong chính nguồn gốc của nó.
Khi tâm lý nạn nhân trở thành lối sống
Cần thay đổi tâm lý nạn nhân ở trẻ từ sớm, để trẻ không xem loại suy nghĩ này thành lối sống. Vài năm trước đã có một bài nghiên cứu chuyên sâu về những tội phạm trong hệ thống nhà tù bang California. Một vấn đề trọng yếu mà nghiên cứu này chỉ ra rằng, những tội phạm ra vào tù thường xuyên có xu hướng tự xem mình là nạn nhân: nạn nhân của tuổi thơ bất hạnh, xã hội bất công, cha mẹ vô trách nhiệm, sự nghèo nàn. Vì cảm thấy mình luôn là nạn nhân, nên họ không cảm thấy mình cần phải thay đổi những hành vi phản xã hội.
Một khi đã nhìn nhận mình là nạn nhân thì bạn luôn có thể tìm được cách để mình là người bị hại. Nếu bạn có con tuổi teen, bạn biết có nhiều trẻ sẽ luôn tìm lý do để trở thành nạn nhân. Hãy nhớ rằng mặc dù trẻ sẽ luôn có xu hướng tự sa vào các lỗi tư duy như vậy, nhưng là cha mẹ, bạn có vai trò thay đổi lối suy nghĩ đó của trẻ để trẻ trở nên có trách nhiệm hơn.
Nguồn: empoweringparents.com