Mách Bạn Cách Nói Chuyện Với Con Khi Trẻ Đang Bức Xúc
Ngày đăng: 07/04/2022Một trong những điều cực kỳ khó khăn khi làm cha mẹ là nói chuyện với con khi con đang tức giận hoặc buồn tủi.
Có hai sai lầm phổ biến chúng ta thường mắc phải khi trẻ đang tức giận.
Thứ nhất là, lớn tiếng hoặc la hét với trẻ đang bức xúc. Thường thì việc này sẽ khiến trẻ càng giận hơn chứ không nguôi. Tư duy từ não bò sát (não bản năng – theo lý thuyết 3 não) sẽ trội hơn khi trẻ tức giận, nếu trẻ bị thách thức thì sẽ bỏ đi (vào phòng, ra ngoài, tránh mặt bố mẹ) hoặc chống đối (cãi vã, la hét, buồn tủi).
Thứ hai là, nói chuyện quá nhẹ nhàng và bị động, khiến cho trẻ đang bức xúc cảm thấy mình không được xem trọng. Sẽ có những lúc mà câu nói “Bố/mẹ biết con đang buồn” không có hiệu quả.
Khi trẻ thực sự buồn bã, trẻ chỉ muốn duy nhất một điều từ bạn hoặc thầy cô – sự thấu hiểu, rằng bạn hiểu trẻ đang bị tổn thương, xấu hổ, bị từ chối, hay bất cứ thứ gì khiến trẻ xúc động. Một câu nói đơn giản nhưng thành thật: “Bố/mẹ hiểu mà”, có tác động rất lớn đến tâm trạng của trẻ.
Vậy nên làm gì bây giờ?
Kiểm soát phản ứng của bạn
Sự xúc động có thể lan truyền. Chúng ta có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của trẻ. Ngoài ra, thái độ của trẻ có thể tự khiến mình càng bức xúc hơn, nên chúng ta phải biết cách phản ứng lại để làm dịu đi cảm xúc đó. Việc tự kiểm soát phản ứng rất quan trọng, từ đó chúng ta mới có thể cho ra sự đồng cảm có hiệu quả.
Cách tốt nhất để tự kiểm soát phản ứng là hít thở. Đúng vậy, hít thở giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo và bình tĩnh lại. Bạn phải thoải mái với sự im lặng mới có thể thành công với việc này. Thậm chí có khi bạn phải rời khỏi nguồn cơn stress (đứa trẻ đang buồn của bạn) một chốc lát để có thể giữ bình tĩnh. Việc này bao gồm rời đi, nhắm mắt lại, hoặc nhìn ra chỗ khác để không bị cảm xúc mạnh mẽ của trẻ ảnh hưởng.
Hạ hỏa giúp trẻ bằng cách nói chuyện
Hãy tưởng tượng bạn đón trẻ từ trường về và nghe trẻ than vãn về sự bất công ở trường lớp. Trẻ cáu gắt, kể lể bảo rằng thầy/cô giáo thế này thế nọ, trẻ không muốn học giáo viên đó nữa. Trên thang điểm bức xúc từ 1 tới 10, trẻ được khoảng 8 điểm. Hãy phản ứng lại ở thang điểm thấp hơn – mức 7 – thấp hơn một chút so với cơn bức xúc của trẻ. Quan trọng hơn, đừng đổ lỗi cho trẻ.
Dù trẻ có thể tiếp tục cơn giận của mình nhưng sẽ giảm sự gay gắt lại. Trẻ có thể nói ở mức 6: “Con ghét cô. Cô lúc nào cũng đì con.” Lúc này, hãy xác nhận lại cảm xúc của trẻ nhưng ở mức 5: “Con buồn lắm đúng không? Thật tệ khi không được đối xử công bằng nhỉ.” Đừng thiên vị, cũng đừng nghi ngờ và đánh giá quan điểm của trẻ. Hãy chỉ khẳng định rằng bạn thấu hiểu và thông cảm cho sự bức xúc của trẻ.
Nếu thuận lợi, trẻ sẽ đáp lại ở mức 4 trên thang điểm bức xúc, bạn cứ tiếp tục giảm dần mức độ cho đến khi trẻ bình tĩnh hoàn toàn. Chỉ nên trò chuyện về vấn đề và cách giải quyết khi cả hai đều bình tĩnh. Nói cách khác, cho trẻ một chút thời gian và không gian để có thể kiểm soát cảm xúc rồi mới tư vấn về giải pháp. Hãy vui vẻ với việc bạn đã giúp được trẻ bình tĩnh lại trong khi vẫn giữ bầu không khí gia đình tốt đẹp.
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Kỹ năng được mô tả ở trên vô cùng có hiệu quả khi cần giúp trẻ giảm bớt cơn giận của mình, dĩ nhiên, cần phải có sự luyện tập để đạt hiệu quả cao nhất.
Hãy bắt đầu từ những tình huống bình thường. Chủ động lắng nghe câu chuyện và nắm bắt cảm xúc của trẻ. Thử nói chuyện xung quanh ranh giới của trẻ để xem trẻ phản ứng với mỗi mức độ như thế nào. Sau đó, hãy thử xoa dịu cảm xúc của trẻ khi trẻ gặp chuyện không vui. Cố gắng bình tĩnh, nắm bắt cảm xúc và xoa dịu chúng. Nếu bạn thất bại cũng đừng từ bỏ. Kỹ năng làm cha mẹ là cả một quá trình bao dung và thấu hiểu, lúc thực hiện có thể khó khăn, nhưng khi đạt được rồi sẽ là trái ngọt lành.
Nguồn: parentingideas.com.au