Làm Sao Để Dạy Con Tự Lập?
Ngày đăng: 05/05/2022Một trong những mâu thuẫn phổ biến của các bậc làm cha làm mẹ là vừa muốn con trưởng thành, mà lại vừa xúc động khi con lớn quá nhanh. Chúng ta muốn con có thể tự lập, nhưng cũng vừa nhung nhớ khoảng thời gian con còn phụ thuộc vào mình. Đương nhiên là bố mẹ nào cũng muốn con mình tự lập, nhưng để ý thử xem, thỉnh thoảng bạn có làm giúp trẻ những việc mà trẻ đã đủ lớn để có thể tự làm không?
Dạy trẻ cách tự lập và để trẻ tự kiểm soát cuộc sống của mình không có nghĩa là bỏ bê trẻ. Trên thực tế, dạy trẻ cách tự lập và nhiều kỹ năng sống quan trọng khác là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể tặng cho trẻ.
Tại sao tự lập lại rất quan trọng đối với trẻ?
Dạy trẻ cách tự lập rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang dạy trẻ cách suy nghĩ cho bản thân, cách tự chủ và có trách nhiệm trong cuộc sống. Khi bạn dạy trẻ cách tự lập, bạn đang giúp trẻ trở thành một người lớn tự tin và thành công trong tương lai. Để có thể thành công, bạn phải hướng tới thành công, vượt qua hết những chướng ngại, và tin tưởng vào bản thân. Nuôi dưỡng tính tự lập giúp trẻ có thể tự tin vào bản thân mình.
Có rất nhiều người sống ảm đạm qua ngày, không thực hiện ước mơ của mình cả cuộc đời này, chỉ bởi vì họ sợ hãi. Họ không tin tưởng bản thân. Họ sợ thất bại, sợ đàm tiếu, có quá nhiều thứ kìm hãm họ lại mỗi khi họ muốn làm một điều gì đó. Đa phần những người đó được dạy dỗ chưa đúng khi còn bé. Các bậc phụ huynh Á Đông thường áp đặt những gì họ nghĩ là tốt lên con cái và kiểm soát cuộc sống riêng của con quá mức, dẫn đến việc nhiều đứa trẻ lớn lên mà không biết mình phải làm gì, không biết mình có thể làm gì và lạc lối trong thế giới rộng lớn bên ngoài vòng tay của bố mẹ. Nếu bạn dạy trẻ cách tự chủ, trẻ sẽ tự tin hơn vào bản thân, có thể biến cuộc đời mình thành chuyến phiêu lưu và theo đuổi ước mơ của mình. Trẻ sẽ không còn sợ thất bại và dám thử nghiệm những điều mới.
Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Mục lục:
Hãy ngưng sợ hãi và kiểm soát quá mức
Nếu trẻ đến tuổi chập chững biết đi, bạn sẽ biết ý chí tự lập của trẻ mạnh mẽ tới mức nào. Không gì ngăn cản được trẻ bởi vì trẻ nghĩ mình có thể làm được mọi thứ. Thông thường, trẻ không hoài nghi về khả năng bản thân có làm được hay không. Trẻ thường nghĩ mình có thể làm được, thi thoảng còn nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ.
Chỉ có người lớn chúng ta hạn chế trẻ bởi vì chúng ta nghĩ trẻ không thể làm được. Tất nhiên là chúng ta không thể cứ để trẻ tự do làm mọi việc trẻ muốn, nhưng hãy suy nghĩ trước khi cấm cản chúng. Bạn có thể bất ngờ trước những gì trẻ có thể làm được đấy, và đừng đánh giá thấp khả năng của bọn trẻ.
Nếu trẻ muốn làm, đầu tiên hãy để chúng làm dưới sự giám sát của bạn, bắt đầu từ việc nhà hay phụ nấu ăn trong bếp. Có thể kết quả sẽ tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều đấy. Bạn chỉ cần ngưng việc bảo bọc trẻ thôi là đã giúp trẻ thử nghiệm nhiều công việc khác nhau và tăng sự tự tin rồi. Thay vì đánh giá trẻ và từ chối ngay lập tức, bạn có thể bảo: “Chúng ta cùng thử nhé!”
Để trẻ làm công việc nhà phù hợp với độ tuổi
Khuyến khích trẻ tham gia vào làm việc nhà sẽ khiến trẻ tự lập hơn. Đánh giá đúng khả năng của trẻ và giao cho trẻ những công việc phù hợp.
Con của bạn có thể không làm được những việc mà đứa trẻ khác làm được, bởi vì mỗi đứa trẻ có năng lực khác nhau. Vậy nên đừng tạo áp lực hay so sánh trẻ với những đứa trẻ khác, đặc biệt là “con nhà người ta”. Mục đích của bạn là dạy trẻ cách tự lập, không phải đánh giá năng lực của trẻ, so sánh với người khác và khiến trẻ tự ti về bản thân mình. Điều này sẽ dẫn đến tác dụng ngược, khiến trẻ có tâm lý rằng mình không bao giờ đủ tốt, tự ti, nhạy cảm và thu mình lại.
Cứ để trẻ sai lầm
Bố mẹ thương con, thường sẽ không muốn nhìn thấy con chật vật khổ sở, vậy nên hay xen vào làm thay và giải quyết công việc giúp con. Trẻ có thể cảm nhận được điều đó, dần dần chúng sẽ mất đi sự tự tin và có xu hướng dựa dẫm vào bạn nhiều hơn.
Vậy nên, hãy để trẻ tự làm những gì trẻ muốn. Nếu như bạn thấy trẻ đủ lớn để có thể hoàn toàn tự làm việc gì đó, hãy khuyến khích trẻ làm. Bạn chỉ nên xen vào khi điều đó đe dọa đến sức khỏe hay tính mạng của trẻ. Nếu không, hãy thử tin tưởng trẻ và bỏ qua bản năng bảo bọc của cha mẹ.
Nếu trẻ thất bại, khuyến khích trẻ thử lại nhiều lần. Thực ra thì trên đời không tồn tại thứ gọi là thất bại thực sự, chỉ có bài học. Mỗi lần bạn thử làm điều gì đó mà không đạt được kết quả mong muốn, bạn lại học được thêm một kinh nghiệm mới. Khi trẻ cảm thấy thất vọng vì không thành công, hãy dạy cho trẻ biết điều này, trẻ sẽ có thể nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác tích cực hơn.
Để trẻ ra khỏi vùng an toàn của mình
Cho trẻ thoải mái mắc sai lầm và thất bại không có nghĩa là bỏ bê trẻ khi trẻ gặp khó khăn. Với tư cách bố mẹ, bạn có thể động viên trẻ bước ra khỏi vùng an toàn một cách chậm rãi, đồng thời khẳng định với trẻ rằng bạn sẽ luôn ở bên cạnh mỗi khi trẻ cần hỗ trợ.
Con người là sinh vật xã hội, chúng ta cần phụ thuộc một phần vào người khác mới có thể thỏa mãn bản thân mình. Không phải phụ thuộc về mặt tài chính, mà chúng ta cần có người ủng hộ về mặt tinh thần. Chúng ta luôn hướng tới tình yêu thương và sự công nhận của mọi người xung quanh. Trong tháp nhu cầu Maslow, sau những nhu cầu sinh tồn thì sẽ tới nhu cầu hòa nhập với xã hội, nhu cầu được tôn trọng và thể hiện bản thân mình. Cả trẻ con lẫn người lớn đều như vậy.
Khi bạn ủng hộ trẻ, trẻ sẽ có đủ can đảm để thử sức bởi vì trẻ biết bố mẹ luôn ở bên cạnh mình. Nếu như bạn dễ dàng đánh giá thấp trẻ, trẻ sẽ dần sợ hãi những gì trẻ không biết. Đây có thể là điểm bắt đầu của một vòng lặp vô tận của việc nghi ngờ khả năng bản thân ở rất nhiều người. Hãy phá vỡ vòng lặp đó. Hãy để con bạn được tự do phát triển bản thân mình, có được sự tự tin và thành công trong tương lai.
Biến ngôi nhà trở thành một môi trường thuận lợi cho trẻ
Trẻ sẽ có thể bắt đầu làm những việc trẻ muốn nếu chúng ta sắp xếp đồ đạc thuận tiện cho trẻ. Hãy để quần áo, đồ chơi, vật dụng,… của trẻ vào những ngăn tủ thấp, trẻ sẽ không cần phải nhờ bạn giúp mới có thể lấy được.
Bạn cũng có thể bảo trẻ tự chuẩn bị trước khi đến trường. Trẻ cũng có thể tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Đặt một chiếc ghế đẩu nhỏ an toàn trong nhà tắm để trẻ có thể tự đánh răng hoặc tự lấy đồ mà trẻ muốn.
Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề
Trẻ thường gặp một số vấn đề cá nhân ở trường hay ở nhà. Khoan hãy giải quyết chúng nhanh chóng bằng cách đưa ra giải pháp, mà bạn hãy dẫn dắt trẻ từ từ để trẻ tự nảy ra giải pháp bằng cách hỏi những câu hỏi như “Con nghĩ chúng ta nên giải quyết việc này như thế nào?” hay “Chúng ta nên làm gì để việc này không xảy ra nữa?”. Bạn có thể sẽ bị bất ngờ bởi những ý tưởng độc đáo của trẻ đấy.
Như vậy, hãy để trẻ tự suy nghĩ ra giải pháp cho các vấn đề của trẻ. Bạn chỉ cần đồng cảm và ủng hộ trẻ là được. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề. Bạn cũng nên thường xuyên khen trẻ khi trẻ tự đưa ra được giải pháp đúng, trẻ sẽ có thêm sự tự tin về bản thân và giảm bớt sợ hãi về việc mắc sai lầm.
Để trẻ nhận trách nhiệm cho hành động của mình
Trẻ nên hiểu được mỗi hành động không đúng đều sẽ dẫn đến hậu quả và rút ra được bài học kinh nghiệm. Ví dụ, nếu như trẻ thường xuyên quên sách vở hoặc mang không đúng thời khóa biểu, hãy để trẻ nhận hậu quả một lần. Bài học rút ra từ kinh nghiệm sẽ có hiệu quả gấp nhiều lần những lời nhắc nhở của bạn.
Khi trẻ đối diện với hậu quả, trẻ sẽ tự chủ hơn khi ra quyết định. Với những đứa trẻ nhỏ hơn, bạn có thể bảo chúng tự dọn đống bừa bộn chúng bày ra hoặc sắp xếp đồ chơi trở về vị trí cũ.
Để trẻ tự đưa ra quyết định
Đừng cố kiểm soát quá mức và quyết định thay trẻ gần như tất cả mọi thứ và bảo bọc trẻ khỏi sai lầm. Những chuyên gia tâm lý cho rằng những đứa trẻ được bảo bọc quá mức sẽ không có nhiều sự tự tin và thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Nếu bố mẹ vẫn làm hết tất cả mọi thứ ngay cả khi trẻ đã đủ lớn để tự làm việc nhà, trẻ sẽ trở nên lười biếng, phụ thuộc và ích kỷ.
Vậy nên hãy ngừng việc xoay quanh trẻ, hãy để trẻ tự ra quyết định và mắc sai lầm (nếu có). Học hỏi từ những sai lầm có thể giúp trẻ trở nên kiên cường. Bạn hãy thể hiện rằng mình tin tưởng vào quyết định của trẻ. Bạn có thể giúp đỡ trẻ vực dậy, nhưng đừng ngăn cản trẻ vấp ngã.
Bạn có thể để trẻ tự ra quyết định về chuyện cá nhân của mình từ khi còn bé như chọn quần áo trẻ muốn mặc, chọn đồ chơi trẻ muốn mua, hoặc nên tổ chức tiệc sinh nhật cho trẻ như thế nào.
Tạo lịch trình hàng ngày
Một trong những bí quyết để dạy trẻ trở nên tự lập đó là tạo lịch trình hàng ngày. Một số gia đình không có thói quen này, nhưng bạn hãy thử để biết nó có phù hợp hay không.
Trẻ sẽ hợp tác hơn khi biết được những việc cần phải làm. Bạn có thể liệt kê một danh sách đánh dấu những việc cần làm để mọi việc diễn ra suôn sẻ và bạn không cần phải can thiệp nhiều. Khi trẻ lặp đi lặp lại công việc hàng ngày, trẻ nhanh chóng học được tính trách nhiệm và bắt đầu tự lập hơn.
Dạy trẻ cách sử dụng tiền
Hãy dạy trẻ về cách quản lý tiền bạc – một kỹ năng sống quyết định tính tự lập và sự thành công của trẻ trong tương lai. Kỹ năng quản lý chi tiêu là cực kỳ quan trọng. Trước khi mua bất cứ thứ gì, hãy hỏi bản thân câu hỏi: “Mình có thực sự cần nó không hay là chỉ muốn nó thôi?”. Mỗi khi trẻ hỏi mua thêm đồ chơi mới, hãy nhắc nhở trẻ về những món đồ chơi đã có và bây giờ trẻ vẫn chưa cần đồ chơi mới.
Tập cho trẻ thói quen tiết kiệm bằng cách khuyến khích trẻ tích cóp từ số tiền tiêu vặt hàng ngày. Nếu trẻ muốn mua đồ chơi mới, hãy giúp trẻ tính toán mỗi ngày nên để dành bao nhiêu cho hợp lý. Khi trẻ đã quen rồi thì sẽ tự giác làm việc đó, chúng ta chỉ cần cung cấp cho trẻ đầy đủ những vật dụng cần thiết.
Hơn nữa, khi trẻ tự mua được đồ trẻ muốn bằng cách tiết kiệm tiền tiêu vặt, điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác tự hào khi đạt thành mục đích và cho trẻ biết mình có thể làm được những gì.
Trò chuyện về tương lai
Thỉnh thoảng bạn nên trò chuyện về tương lai với trẻ để nhấn mạnh rằng việc tự lập quan trọng với mỗi người như thế nào. Bạn có thể kể về nghề nghiệp của mình, cách bạn trang trải cho cuộc sống, và truyền cảm hứng cho trẻ rằng khi trẻ lớn lên cũng sẽ như vậy. Hãy nói cho trẻ biết lợi ích của việc tự lập bằng cách lấy ví dụ từ những việc thường ngày và những thứ chúng ta chỉ có thể làm được khi tự lập. Bạn cũng nên công nhận và khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ tự làm được việc gì đó. Đừng áp đặt hay ép buộc, hãy dần dần cho trẻ thấy được lợi ích của việc tự lập để trẻ hình thành mong muốn đối với việc tự lập.
Hãy kiên nhẫn
Sự kiên nhẫn là thứ mà các bậc làm cha làm mẹ cần phải có nhất. Khi bạn thấy khó chịu khi trẻ làm sai – hãy hít thở sâu. Khi bạn bực bội lúc trẻ chậm chạp lề mề mà đã trễ giờ rồi – hãy hít thở sâu. Khi bạn khó có thể giữ bình tĩnh lúc trẻ gấp quần áo sai trong khi bạn đã hướng dẫn 50 lần rồi – hãy hít thở sâu.
Dĩ nhiên để bạn làm mọi việc thì sẽ nhanh chóng hơn nhiều, nhưng trẻ sẽ học hỏi như thế nào?
Nếu trẻ không có cơ hội học hỏi và phát triển, trẻ sẽ không thể tự lập. Vậy nên, hãy cố gắng nhẫn nhịn và hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Tất nhiên việc đó không dễ dàng chút nào, nhưng nó đáng mà.
Nguồn: messyyetlovely.com