Làm Sao Để Con Nghe Lời
Ngày đăng: 25/03/2022Khi trẻ biện hộ và không nghe lời, bạn rất dễ thỏa hiệp với việc trẻ cư xử ngỗ nghịch và hời hợt trong việc nhà, bài tập hay chơi thể thao. Bố mẹ cần phải là hướng dẫn viên, giáo viên và cố vấn viên cùng một lúc để có thể dạy trẻ cách cư xử, có thái độ đúng đắn và phát triển bản thân một cách tốt nhất. Lời khuyên và sự góp ý là công cụ hữu ích để làm điều này. Nhưng nếu bạn không biết cách thì lời khuyên của bạn sẽ bị phớt lờ, thậm chí trong trường hợp tệ nhất, phá hoại mối quan hệ và làm tổn thương trẻ.
Khi bạn cho lời khuyên đúng cách, bạn sẽ thấy trẻ tiến bộ rõ rệt trong cách cư xử, thái độ và học tập, kể cả khi đang trong độ tuổi nổi loạn. Vậy cho lời khuyên như thế nào mới đúng?
Càng cụ thể càng tốt
Chắc chắn bạn phải đưa ra lời khuyên cho trẻ vào một thời điểm nào đó thì trẻ mới có thể tiến bộ. Hãy nói cho trẻ biết trẻ cần phải làm gì, ví dụ như “con hãy nhìn vào mắt của em khi nói chuyện, em sẽ chú ý nghe con hơn”. Lời khuyên cần phải cụ thể và rõ ràng, tránh bị chung chung để trẻ biết chính xác bản thân cần phải làm gì để cải thiện. Bạn cũng cần khuyên một cách nhẹ nhàng và không mang thái độ đánh giá.
Mô tả rõ ràng
Những lời như “con không được cư xử như vậy” không có tác dụng mấy. Bạn phải nói rõ với trẻ như “con đừng nên làm ồn khi chơi trong nhà”. Hãy sử dụng cách diễn đạt có ý nghĩa cụ thể thay vì những lời sáo rỗng, trẻ sẽ biết bản thân nên làm gì để đáp ứng kỳ vọng của bạn.
Đúng thời điểm
Dạy bảo trẻ nhỏ khoảng 2 – 3 tuổi vào 30 phút sau khi chúng tỏ ra bướng bỉnh rõ ràng là không có tác dụng. Khuyên nhủ trẻ tuổi teen khi chúng đang tức giận sẽ chỉ làm cho mọi chuyện trở nên căng thẳng và dẫn đến một cuộc cãi vã. Đối với trẻ nhỏ, bạn phải cho lời khuyên ngay lập tức hoặc trước đó như “con hãy đặt đũa ở bên này và muỗng ở bên kia nhé”. Còn với trẻ lớn hơn, thời gian và địa điểm rất quan trọng. Hãy nhớ rằng, khi giận dỗi, trẻ lớn thường có xu hướng không nghe lời. Hãy đợi đến khi trẻ bình tĩnh lại và nói chuyện thẳng thắn với trẻ.
Nhẹ nhàng, bình tĩnh
Ngay cả khi bạn chọn lọc từ ngữ một cách kỹ càng và lời khuyên của bạn đúng tới mức nào đi nữa, sự tức giận sẽ dễ gây ra phản ứng ngược. Trẻ sẽ phớt lờ bạn hoặc cãi lại, và không quan tâm đến thông điệp bạn muốn truyền tải khi bạn khí nộ xung thiên. Hãy làm dịu cơn giận của bản thân trước khi nói chuyện với trẻ.
Cho trẻ không gian riêng để phát triển
Khi trẻ cần bạn chấp nhận từng bức tranh vẽ hoặc từng bài tập, có thể là do bạn đã luôn góp ý cho trẻ trước đó. Việc hình thành và phát triển khả năng tự nhận thức và đánh giá bản thân rất quan trọng, để sau này khi trẻ lớn lên và đối diện với những khó khăn khác, trẻ có thể tự nhìn nhận về bản thân mình để tìm kiếm động lực và sức mạnh. Nếu không, trẻ sẽ dễ bị tổn thương bởi tác nhân ngoại cảnh như áp lực từ sự thành công của người khác (peer pressure), bắt nạt hay sự xô bồ của xã hội. Mỗi khi trẻ hỏi xin bạn nhận xét, hãy hỏi ngược lại trẻ cảm thấy như thế nào trước, rồi dựa vào đó mà cho lời khuyên thích hợp. Lời khuyên là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc dạy dỗ trẻ. Bạn cần phải chú ý đển tiểu tiết, sự nhạy cảm và sẵn lòng tôn trọng phẩm chất của trẻ để có thể cho lời khuyên một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, cho trẻ không gian riêng cũng rất quan trọng, hãy rèn luyện tính tự lập cho trẻ thay vì để trẻ phụ thuộc vào bạn mọi nơi mọi lúc để cần sự chấp thuận.
Nguồn: parentingideas.com.au