Bạn Có Đang Kiểm Soát Con Quá Mức Hay Không?
Ngày đăng: 11/02/2023Trở thành cha mẹ là một cột mốc lớn trong đời người, có con sẽ mang lại những thay đổi không hoàn tác được trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ dành rất nhiều thời gian và năng lượng để chăm sóc con cái. Nhưng nếu sự chăm sóc đó trở nên thái quá, bạn mất ăn mất ngủ để theo sát con cái đến độ gần như cả cuộc sống chỉ có con? Sự kiểm soát của bạn đã vượt quá mức rồi.
Vì sao cha mẹ kiểm soát quá mức?
Lý do rất đơn giản: sợ. Mặc dù có rất nhiều nguyên do để cha mẹ theo sát trẻ, nhưng lý do lớn nhất vẫn là sự sợ hãi và lo lắng.
- Sợ mất con vì những chuyện không may.
- Lo rằng con sẽ không được thành công trong cuộc sống.
- Lo rằng con sẽ học những thói hư tật xấu nếu không có sự giám sát của cha mẹ.
- Sợ sẽ mất kiểm soát đối với cuộc sống của con (một vấn đề lớn của những ông bố bà mẹ luôn bao bọc quá mức).
- Sợ con sẽ không đối đầu được với sự cạnh tranh trong xã hội, và không thể sống tốt nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác:
- Áp lực từ việc cảm thấy bạn không lo cho con cái được như những ông bố bà mẹ khác.
- Đời cha mẹ đã khổ, nên không muốn con cái cũng phải nếm trải những khó khăn như họ đã từng chịu.
Ngày nay có nhiều bậc cha mẹ gắn liền giá trị bản thân vào việc nuôi dạy con cái, điều này có thể dẫn tới việc cha mẹ kiểm soát quá mức, vì họ không muốn trẻ phải chịu thất bại. Bạn có thể bảo vệ con ngắn hạn nhưng không thể bảo bọc cả đời, kiểm soát quá mức có thể dẫn đến việc trẻ không thể sống tự lập, và còn rất nhiều hệ quả khác.
Làm thế nào để tránh việc kiểm soát con quá mức?
Với những nguy hiểm ngoài xã hội, làm thế nào để có thể bảo vệ con nhưng không khiến điều đó trở thành kiểm soát? Sau đây là một vài cách:
Mục lục:
Hãy áp chế sự lo lắng của bạn
Nhiều khi não bạn sẽ tự sản sinh ra những hoang mang thái quá, làm bạn tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất, gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống hàng ngày. Bạn bỗng có những suy nghĩ: “Nghe nói con trai hàng xóm vừa gặp tai nạn, lỡ để con chơi bên ngoài cũng bị vậy thì sao?” hoặc “Mình không thích cách đứa bé đó nói chuyện, lỡ nó dạy hư con mình thì sao?” và còn rất nhiều suy nghĩ khác nữa. Những lo âu này là hợp lý, và việc cha mẹ luôn lo lắng cho con là bình thường. Nhưng nếu bạn vì những suy nghĩ này mà kiểm soát trẻ quá mức thì sẽ chỉ làm khổ trẻ mà thôi.
Tốt hơn là bạn nên làm là tập tin tưởng con cái và thả lỏng, nhưng nghe thì dễ mà làm thì khó.
Bạn có thể dùng những điều sau đây để khuyên nhủ bản thân, cố gắng nghĩ đến những điều tích cực hơn và buông bỏ những lo âu thái quá:
- Dù có cố gắng đến bao nhiêu chúng ta cũng không thể loại bỏ tất cả trở ngại trong cuộc sống. Trẻ có thể học xấu, vấp ngã trong cuộc đời, học hành không tốt thậm chí không đỗ đại học…
- Chính những thất bại đó có thể giúp trẻ tích lũy những kinh nghiệm sống quý giá, dẫn đến những thành công trong tương lai và một cuộc sống hạnh phúc. Bạn làm sao có thể kiểm soát được tất cả những chuyện đó?
- Những tình huống xấu nhất chỉ là có khả năng có thể xảy ra. Nếu như mọi chuyện không tệ như tưởng tượng thì sao? Nếu cứ ngăn cấm thì chẳng phải sẽ làm cho trẻ bỏ qua những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và lỡ mất cơ hội tạo nên những hồi ức đáng nhớ sao?
- Hiện tại vẫn là quan trọng nhất, và bạn có thể sống thật tốt trong hiện tại với thái độ bình tĩnh và vui vẻ.
- Bạn chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, cho trẻ thấy con đường tốt nhất và chỉ dẫn trẻ phân biệt đúng sai.
Nói tóm lại, bạn nên chấp nhận việc bạn không thể kiểm soát tất cả mọi thứ trong cuộc sống của cả bạn và con.
Hãy thử làm một danh sách những việc bạn có thể kiểm soát. Nghề nghiệp tương lai của trẻ nên để trẻ tự lựa chọn, nếu bạn muốn con làm bác sĩ mà trẻ chỉ một lòng mơ ước được du lịch thế giới (hiện nay đây cũng có thể là một nghề nghiệp), thì bạn có cố cũng không thể ngăn cản. Trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trên hành trình của mình nhưng đó là lựa chọn của trẻ, và khi bạn nhận ra mình không thể kiểm soát tất cả được thì bạn sẽ có thể buông bỏ, không cần luôn chăm chăm dõi theo bắt ép trẻ học ngành bạn muốn.
Tham dự vào khi cần thiết
Bạn vẫn nên can dự vào khi thật sự cần thiết, quá dễ dãi với trẻ cũng không phải chuyện tốt. Cha mẹ quá dễ dãi sẽ ngại giáo dục con cái như một bậc sinh thành, mà chỉ muốn ngang hàng với trẻ. Thay vì thế, cha mẹ nên giữ một khoảng cách trung lập, biết được khi nào nên và không nên can dự vào cuộc đời của trẻ. Đặc biệt nên tham dự nếu liên quan đến sự an toàn của trẻ, nhưng cũng đừng quá xâm phạm. Hãy tự hỏi bản thân, rằng tình huống này có cần sự có mặt của bạn không hay là trẻ có thể tự giải quyết. Nhiều khi trẻ chỉ cần bạn lắng nghe, hãy đáp ứng trẻ. Nếu trẻ thật sự lo lắng thì bạn hãy can dự.
Cách nuôi dưỡng trẻ tốt nhất là dành cho trẻ sự yêu thương, luôn hiện diện, hướng dẫn trẻ thiết lập những ranh giới cho bản thân. Bạn nên dựa vào giới hạn của trẻ để xác định khi nào thì nên can dự vào cuộc sống của con. Khi trẻ lớn hơn thì hãy cho trẻ quyền quyết định. Nếu bạn đi quá giới hạn, trẻ sẽ bày tỏ nhu cầu tự chủ và bạn nên tôn trọng điều đó. Nếu bạn giữ đúng khoảng cách thì trẻ sẽ hiểu rằng bạn sẽ luôn là hậu phương cho trẻ, từ đó trẻ sẽ tự ý thức và tránh xa những điều sai trái để không bị mất tình cảm và sự tôn trọng từ bạn.
Để trẻ tự ra quyết định từ khi còn bé
Để trẻ rèn luyện tính tự lập cũng như để bạn không kiểm soát quá mức, hãy cho trẻ quyền quyết định đối với một số việc từ khi còn bé. Như đồ mặc mỗi ngày, chơi trò nào… Nếu bạn giải quyết mọi nhu cầu cho trẻ thì trẻ sẽ không học được ý thức tự giác. Nếu bạn cho trẻ tự quyết định không mặc áo khoác khi trời lạnh, thì trẻ sẽ nhận ra được sai lầm của mình từ hậu quả. Cũng như vậy, khi trẻ có lựa chọn đúng trẻ sẽ tự suy ra được từ kết quả hành động của mình.
Dạy trẻ những kỹ năng sống cơ bản
Thay vì đi theo con sửa chữa mọi lỗi lầm, bạn nên dạy con kỹ năng sống cần thiết để giải quyết những khó khăn đó. Cho trẻ thấy những bất trắc có thể có trong cuộc sống, và những kỹ năng phù hợp để xử lý những bất trắc đó. Trẻ sẽ cự nự khó chịu khi bạn nói trẻ tự dọn giường hay nấu bữa sáng, nhưng như đã nói ở trên, cha mẹ nên biết khi nào thì nên lùi lại. Đừng luôn làm cho trẻ những việc trẻ có thể tự làm. Cứ thử phân những công việc phù hợp tuổi cho trẻ, có khi bạn sẽ ngạc nhiên vì con có thể làm tốt hơn bạn tưởng tượng.
Dạy trẻ cách phân biệt đúng sai
Thay vì luôn lo nghĩ về những tình huống xấu nhất, hãy chủ động dạy trẻ phân biệt đúng sai để trẻ có thể tự lựa chọn. Bạn có thể bắt đầu sớm và xây dựng lòng tin bằng cách cho trẻ biết bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi trẻ cần. Phòng thì luôn tốt hơn chữa, nên từ bé hãy dạy trẻ hậu quả của việc kết bạn xấu hay chơi video game quá nhiều. Bạn cũng nên cố gắng xây dựng lòng tin giữa bạn và con, để trẻ hiểu rằng có thể trải lòng và chia sẻ với bạn những điều trong cuộc đời mình. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn nới lỏng một số hạn chế để trẻ tự lựa chọn và xử lý lỗi lầm của mình.
Để trẻ là chính mình
Có nhiều người khi trưởng thành luôn hối hận và thất vọng, cảm thấy như bản thân mắc kẹt trong vô định. Họ để cha mẹ quyết định cuộc đời khi còn trẻ, và lỡ mất những khoảnh khắc quan trọng để tự chọn con đường sự nghiệp mà họ muốn.
Những bậc cha mẹ cần nhớ rằng con cái không phải là phản chiếu của bản thân mình. Thành công hay thất bại của con bạn không dựa vào bạn. Trẻ có cuộc sống của riêng mình và bạn cũng vậy, đừng cố gắng hiện thực hóa ước mơ thông qua con cái. Nhận biết được khả năng thật của trẻ, đừng bắt trẻ trở thành người không phù hợp với mong muốn của trẻ. Hãy khuyến khích tài năng vốn có và ủng hộ sở thích của trẻ.
Đừng tự chịu trách nhiệm về cảm xúc của trẻ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng họ nên đáp ứng mọi yêu cầu của con để làm trẻ vui, kể cả những việc như để đứa con mới 2 tuổi chơi điện thoại ngay khi trẻ đòi. Điều này dễ làm trẻ trở nên tự phụ. Những cha mẹ thế này sẽ sẵn sàng làm tất cả để thoả mãn trẻ, ngay cả khi trẻ có thể tự chủ.
Đừng nhận hết trách nhiệm với các hành vi của con cái và giúp sửa những lỗi lầm. Nếu trẻ quên làm bài tập thì đừng làm giúp, hãy để trẻ nhận lỗi và tự trả giá. Cũng tương tự như vậy, lập ra kỷ luật để khuyến khích trẻ tham gia vào việc nhà sẽ tốt hơn là suốt ngày la rầy trẻ. Điều này giúp xây dựng tinh thần tự giác của trẻ, và giảm thiểu sự can thiệp của cha mẹ trong quá trình trẻ trưởng thành.
Đừng giúp trẻ làm việc trẻ có thể tự làm
Dấu hiệu rõ nhất khi bạn kiểm soát quá mức là bạn liên tục chỉ cho trẻ nên làm gì. Đôi khi cha mẹ quên mất khả năng thật sự của trẻ và chỉ nhớ ra khi giao việc cho trẻ. Trẻ càng lớn thì nên giao càng nhiều việc, đừng quá câu nệ việc làm đúng hay sai, mục đích của bạn không phải là sự hoàn hảo mà là cho trẻ học tính tự lập và có trách nhiệm.
Nhiều cha mẹ quá cầu toàn sẽ khó mà buông bỏ sự kiểm soát, bạn cần phải tập chấp nhận rằng con mình không thể luôn hoàn hảo. Bạn cũng không nên cằn nhằn quá nhiều, làm vậy là bạn vẫn đang kiểm soát quá đà, và cuối cùng chỉ làm bạn mệt mỏi mà làm luôn cho con.
Dạy con cách giải quyết khó khăn
Thay vì tham dự vào khi trẻ gặp khó khăn, hãy dạy trẻ cách tự giải quyết. Nếu trẻ cãi nhau với bạn hay bị bắt nạt, hãy lắng nghe nỗi buồn phiền của con và giúp trẻ nghĩ phương pháp. Nếu vấn đề của con bạn mới, hãy cùng suy nghĩ giải pháp với con và đưa ra gợi ý về những cách đối mặt với vấn đề. Tránh việc gọi phụ huynh của người bạn kia để giải quyết cuộc cãi vã này.
Tập trung vào chính bạn
Để tránh kiểm soát quá mức, bạn cần hiểu bản thân, đừng gắn liền giá trị của mình với thành tựu của con cái. Bạn có vai trò rất lớn trong cuộc đời của trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa bạn nên dành phần lớn thời gian trong ngày theo sát con, kiểm tra hoạt động của trẻ và đưa đón trẻ. Hãy dành thời gian rảnh cho bản thân để hoàn thành mục tiêu của riêng bạn, xây dựng một cuộc sống tách biệt với con và kiểm soát cuộc đời của chính mình.
Nguồn: messyyetlovely.com