Mẹo Đảm Bảo Khắc Phục Tình Trạng Biếng Ăn Ở Trẻ Nhỏ
Ngày đăng: 19/08/2022Việc ăn uống của con luôn là lo lắng hàng đầu của các bậc cha mẹ. Trẻ kén ăn, biếng ăn hay ăn rất ít là việc thường xuyên làm bố mẹ đau đầu. Dưới đây là một số mẹo rất hay để giúp khắc phục tình trạng này.
Mục lục:
Một số nguyên nhân trẻ biếng ăn
- Sức ăn của trẻ thay đổi theo thời kỳ trưởng thành, cùng với mức độ vận động khác nhau.
- Trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển chậm có ít nhu cầu ăn uống hơn.
- Hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển toàn diện.
- Trẻ hiếu kỳ muốn khám phá thế giới xung quanh hơn là ăn uống.
- Trẻ muốn thử thách giới hạn của cha mẹ và thể hiện ý thức độc lập.
Trẻ siêng ăn một ngày rồi ngày hôm sau lại biếng ăn là biểu hiện thông thường. Đây là một cách trẻ thể hiện sự tự lập của mình. Nói một cách dễ hiểu hơn: bạn có thể cung cấp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho trẻ, và trẻ quyết định mình sẽ ăn bao nhiêu, hoặc thậm chí có ăn hay không.
Làm sao để đáp ứng khẩu vị thường xuyên thay đổi của trẻ
Nếu trẻ không muốn ăn hay ăn không hết bữa, bạn nên điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ. Bởi vì trẻ ăn ít là chuyện bình thường. Hãy tránh việc ép trẻ ăn hết đồ ăn trên bàn, điều này sẽ tạo áp lực không tốt cho trẻ. Ngược lại bạn nên khen con vì đã ăn được một miếng cơm nhỏ hoặc uống một ngụm nước mặc dù không có hứng thú.
Bạn có thể cho con ăn thêm các loại trái cây hoặc đồ ăn vặt dinh dưỡng ngoài bữa chính, những bữa ăn thêm nho nhỏ này có thể bù lại việc trẻ ăn rất ít trong bữa chính. Chỉ cần bạn đảm bảo đồ ăn lành mạnh đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, đừng quá lo lắng con sẽ đói. Trẻ nhỏ có thể tự đánh giá nhu cầu ăn uống của mình và sẽ không để bản thân chịu thiệt.
Để chắc chắn hơn nữa bạn có thể đánh giá chiếu theo khẩu phần ăn cần thiết của cả tuần cho con thay vì theo ngày. Trẻ ăn ít hôm nay nhưng thèm ăn hơn vào ngày hôm sau là chuyện bình thường.
Mẹo thử những món ăn mới
Trẻ có thể biểu hiện kén ăn, chỉ ăn một vài món nhất định nhưng nếu bạn kiên trì đổi món mới thì có khi trẻ sẽ dần tiếp nhận. Sau đây là một vài ý tưởng bạn có thể thử:
Tạo không khí bữa ăn tích cực
- Làm cho những bữa ăn trở thành sinh hoạt gia đình định kỳ, vui vẻ và đầm ấm. Hãy ngồi ăn với con bất cứ khi nào bạn có thể.
- Cho trẻ thấy bạn thưởng thức một cách ngon lành bữa ăn bạn đã chuẩn bị.
- Cho trẻ phụ giúp việc chuẩn bị và nấu cơm.
- Giới thiệu món mới cho trẻ khi cả bạn và con đang thoải mái, đảm bảo rằng trẻ không mệt hay quá chú tâm vào việc gì khác.
- Đặt ra thời gian ăn tối đa khoảng 20 phút cho mỗi bữa. Nếu quá thời gian mà trẻ vẫn không chịu ăn thì hãy cất thức ăn đi, cũng đừng cho trẻ ăn gì khác.
- Đừng trừng phạt trẻ khi trẻ không chịu ăn món khác. Nếu bạn dùng hình phạt sẽ tạo ác cảm với việc thử món mới nơi trẻ.
- Đừng dùng đồ ăn vặt để dụ trẻ ăn đồ ăn dinh dưỡng. Điều này sẽ tạo thói quen xấu, trẻ sẽ thích ăn đồ ăn vặt hơn còn đồ ăn dinh dưỡng sẽ bị trẻ xem như đối phó.
Kiên trì làm mới thực đơn cho trẻ
- Kiên trì giới thiệu món mới cho trẻ, có thể phải mất 10 đến 15 lần trẻ mới hoàn toàn chấp nhận và thích được.
- Cho trẻ ăn cùng món với các thành viên khác trong gia đình. Điều này giúp trẻ nhận được lợi ích dinh dưỡng từ đa dạng các loại đồ ăn, và còn cho trẻ nhận thức được những mùi vị mới lạ là bình thường.
- Cho trẻ ăn cùng lúc đồ mới và đồ trẻ đã quen ăn.
- Nếu trẻ không thích món gì hãy chờ một tuần trước khi cho trẻ ăn thử lại món đó. Khẩu vị của trẻ nhỏ thường thay đổi chóng vánh, có khi con bạn sẽ ăn sạch món mà trước đó trẻ không thích, thậm chí còn đòi ăn nhiều hơn.
Để trẻ chủ động trải nghiệm
- Cho phép trẻ liếm, chạm hay chơi với thức ăn; việc trẻ bừa bãi trong quá trình tập ăn là không thể tránh khỏi.
- Để trẻ tập tự ăn, bạn chỉ giúp đỡ khi cần thiết.
- Khi trẻ chán ăn, tỏ vẻ mệt mỏi, khó chịu hay giận dỗi, bạn nên cất thức ăn đi. Bạn có thể muốn cho con ăn mãi đồ mà trẻ đã quen và thích ăn, nhưng trẻ em cần ăn nhiều loại thực phẩm để được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển. Việc đa dạng hoá thực đơn cho trẻ là cực kỳ quan trọng.
- Hãy cho trẻ ăn đa dạng các món thuộc 5 nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, hãy đa dạng hoá chính bữa ăn của bạn. Hãy cho trẻ thấy bạn luôn sẵn sàng thử và thưởng thức các món ăn khác nhau. Bầu không khí trong gia đình luôn khuyến khích thái độ tích cực đối với những loại thực phẩm lành mạnh sẽ rất có ích cho trẻ.
Dấu hiệu trẻ cần giúp đỡ trong chuyện ăn uống
Một đứa trẻ được ăn uống đầy đủ sẽ phát triển bình thường và khoẻ mạnh, luôn tràn trề năng lượng để chơi, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Nhưng bạn nên khẩn trương liên hệ bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em nếu con bạn có các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ chỉ ăn một ít loại thực phẩm nhất định.
- Trẻ không chịu ăn cả nhóm thực phẩm như thịt, rau, đậu,… trong một thời gian dài.
- Trẻ luôn từ chối không chịu ăn.
- Bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng phát triển hoặc chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Nguồn: raisingchildren.net.au