Tại Sao La Mắng Không Có Tác Dụng Với Trẻ?
Ngày đăng: 07/09/2022Nhiều bậc phụ huynh dành cả tấn thời gian để dạy bảo trẻ về sự quan trọng của tính trách nhiệm, nhưng lại không có tác dụng gì cả. Ăn mắng xong rồi trẻ vẫn cứ không dọn phòng, không rửa bát, không làm bài tập, hay không làm lành với anh chị em trong nhà.
Đối với trẻ, những lời đó là cằn nhằn, kể cả với mục đích tốt thì vẫn là cằn nhằn. Đây không phải là cách dạy dỗ có hiệu quả. La mắng liên tục sẽ khiến cảm xúc của trẻ phụ thuộc vào bạn. Bạn nghĩ những lời răn dạy của bạn là cần thiết, nhưng thật ra điều đó chỉ làm tăng tính vô trách nhiệm của trẻ, bởi vì trẻ hành động theo lời của bạn chứ không tự giác hoàn thành trách nhiệm của mình.
Hãy nghĩ thế này: nếu bạn xen vào không gian riêng của trẻ rồi bảo trẻ phải nghĩ gì và làm gì, vậy trẻ sẽ có trách nhiệm được bao nhiêu khi bạn cứ lo hết mọi thứ như vậy?
Thay vì thế, hãy cho trẻ không gian riêng, giữ khoảng cách phù hợp, và nhận trách nhiệm cho hành động của chính bạn chứ không phải của trẻ. Bạn chỉ nên tập trung vào việc đưa ra kỷ luật, trông nom trẻ và phạt nếu như trẻ vi phạm.
Ví dụ, nếu như con trai lớn của bạn luôn về nhà sát giờ và muốn có bữa tối được dọn sẵn ra bàn, còn bạn thì vừa cằn nhằn vừa dọn thức ăn ra cho trẻ. Bạn mắng trẻ vì thái độ không tốt trong khi vẫn lo hết mọi thứ cho trẻ. Trẻ sẽ dần coi lời bạn nói như gió thoảng vì dù gì bạn cũng chăm sóc cho trẻ thôi mà. Trong trường hợp này, bạn nên nói với trẻ rằng nếu trẻ không báo trước cho bạn, mà gần tới tối bạn vẫn chưa thấy trẻ về nhà thì bạn sẽ không làm bữa tối cho trẻ.
Điểm mấu chốt ở đây chính là bạn chỉ thực hiện những việc nằm trong trách nhiệm của bản thân bạn, và để trẻ tự giải quyết hậu quả của mình.
Đừng la mắng, đừng cằn nhằn, đừng chỉ trích, cũng đừng cá nhân hóa việc đó. Hãy tôn trọng lựa chọn của trẻ, kể cả khi bạn không đồng tình với lựa chọn đó. Không thông báo cho bạn việc trẻ có về nhà ăn tối hay không là lựa chọn của trẻ, việc của bạn là phản ứng lại lựa chọn đó một cách phù hợp hết mức có thể. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng bạn sẽ được trẻ tôn trọng. Bạn không thể thay đổi tính cách của trẻ, nhưng có thể trở thành một người lớn mạnh mẽ, kiên định, truyền cảm hứng và được trẻ tôn trọng.
Dưới đây là 4 mẹo giúp bạn thực hiện việc này.
Mục lục:
Ngừng mắng
Khi bạn lo lắng về sự vô trách nhiệm của trẻ và sắp bắt đầu cằn nhằn, hãy ngừng lại một chút và hít thở sâu.
Khoảng thời gian giữa hành vi của trẻ và phản ứng của bạn là khoảng thời gian quan trọng nhất. Đây là lúc bạn chọn lựa giữa phản ứng gay gắt và phản ứng cẩn trọng hơn. Việc phản ứng gay gắt có thể khiến bạn thỏa mãn ngay lập tức, nhưng dần dần bạn sẽ có xu hướng cằn nhằn và phàn nàn nhiều hơn.
Khi bạn ngừng lại một chút và nhìn toàn cảnh, bạn có thể ra quyết định tốt hơn, không can thiệp quá sâu vào không gian riêng của trẻ và không áp đặt cảm xúc của mình. Có thể việc này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và bí bách, nhưng sẽ khiến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mang nhiều tính trách nhiệm và tôn trọng hơn. Nếu bạn không ngừng lại và suy nghĩ thì rất dễ bị cảm xúc nhất thời của mình chi phối.
Tập trung vào bản thân mình nhiều hơn
Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như thế này:
– Một người bố người mẹ có trách nhiệm sẽ làm như thế nào trong trường hợp này?
– Nếu con hành xử vô trách nhiệm thì mình nên lựa chọn phản ứng như thế nào? Mình muốn phản ứng như thế nào?
– Mình có sẵn sàng để sống chung với những hậu quả từ lựa chọn đó hay không?
Giả dụ như bạn muốn trẻ hoàn thành xong bài tập hè trước khi vào năm học mới. Mỗi khi bạn hỏi thì trẻ luôn bảo rằng trẻ sẽ làm, nhưng không thật sự làm bài tập mà chỉ loanh quanh trong nhà, ôm điện thoại hay ra ngoài chơi với bạn bè. Cho tới khi nhập học trẻ vẫn chưa làm xong bài tập, hoặc có làm nhưng lại nộp không đúng hạn. Tệ hơn nữa, bạn càng giận dữ thì trẻ càng trơ lì.
Đầu tiên, dành một chút thời gian để tự hỏi bản thân mình xem đây có phần nào là lỗi của bạn không, bạn có kiểm soát trẻ quá mức không?
Khi bạn nhắc nhở liên tục về việc trẻ phải làm, bạn vô tình giảm bớt tính tự giác và trách nhiệm của trẻ. Điều này khiến trẻ không thể tự ra quyết định và chỉ hành động dựa trên kỳ vọng của bạn thay vì có trách nhiệm cho việc của bản thân mình.
Tốt hơn hết, bạn nên xác định rõ đâu là giới hạn của mình, và đưa ra trách phạt phù hợp khi trẻ không hoàn thành trách nhiệm. Luôn luôn tự hỏi rằng: “Trách nhiệm của mình là gì? Trách nhiệm của trẻ là gì?”, để có thể đưa ra được quyết định phù hợp. Ví dụ như trong trường hợp ở trên, bạn có thể bắt trẻ làm bài tập trong phòng khách thay vì phòng riêng của trẻ, nếu như chưa làm xong bài tập thì chưa được chơi điện thoại.
Tự hỏi rằng: Con cần gì ở mình?
Bạn cần biết rằng, trẻ với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), mắc chứng giảm chú ý (ADD) hay các chứng khác cần được chăm sóc và dạy dỗ khác với thông thường. Khi bạn phát hiện trẻ quên làm bài tập, hay làm rồi mà quên nộp quá thường xuyên, khả năng tập trung kém, hay một số triệu chứng khác, bạn nên đưa trẻ đi khám tâm lý để biết được rằng trẻ có mắc phải chứng rối loạn nào không để có thể tìm ra phương pháp dạy dỗ thích hợp.
Đừng quá lo lắng khi trẻ mắc một trong những chứng này, vì phần lớn người sở hữu ADHD hay ADD vẫn có thể sinh sống bình thường và hòa nhập với xã hội. Việc của bạn là hỗ trợ trẻ sắp xếp và hệ thống lại công việc hàng ngày, trẻ có thể cần bạn quan tâm nhiều hơn một chút.
Thêm nữa, đừng tự hỏi những câu chung chung như “Trẻ con cần gì nhỉ?”, thay vào đó là “Con mình cần gì?”. Từ đó, quyết định xem trách nhiệm của bạn tới đâu. Bạn có thể giúp trẻ làm một danh sách những việc cần làm và theo dõi chúng, nhưng trẻ phải tự đánh dấu hoàn thành mỗi khi xong việc.
Nhận biết được khi nào bạn xâm phạm vào không gian riêng tư của trẻ
Phần lớn thời gian chúng ta không hề nhận ra mình đang vượt quá giới hạn. Một vài dấu hiệu bạn đang xâm phạm quá nhiều vào không gian riêng tư của trẻ là bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, bất lực và không biết nên làm như thế nào.
Thông thường, khi bạn ở trong không gian riêng của mình, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh và thoải mái. Hãy cố gắng tìm kiếm nguyên nhân khiến việc xâm phạm này xảy ra và nâng cao nhận thức của mình. Khi dạy trẻ về tính trách nhiệm, đa phần chúng ta áp đặt trong vô thức, chứ không phải là dạy dỗ. Điều này khiến trẻ càng trở nên phụ thuộc và ỷ lại hơn, trẻ sẽ mất động lực trong việc có trách nhiệm đối với bản thân mình.
Trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, bạn đang nắm cán cân quyền lực hơn, điều này dễ khiến cho bạn áp đặt điều mình muốn lên trẻ. Nếu bạn vạch rõ ranh giới cho không gian riêng tư của hai phía, cảm xúc của cả hai sẽ trở nên độc lập và lành mạnh hơn. Khi cảm xúc của trẻ độc lập, trẻ sẽ có nhiều tự do để cảm nhận rõ ràng hơn về tiếng nói bên trong mình, biết được bản thân mình là ai và mình muốn gì. Bạn không cần phải chỉ dẫn trẻ mọi nơi mọi lúc nữa, đây là cơ hội để trẻ thể hiện bản thân, trở nên tự lập và có trách nhiệm hơn trong cuộc đời của mình.
Nguồn: empoweringparents.com