Đồng Cảm Và Thông Cảm Khác Nhau Như Thế Nào?
Ngày đăng: 11/02/2023Bố mẹ nào cũng muốn truyền tải những giá trị tốt đẹp để trẻ có thể hoàn thiện bản thân và trưởng thành. Vốn dĩ bố mẹ không thể thay đổi tính cách của trẻ, nhưng lại có thể nuôi dưỡng cảm xúc để dạy trẻ đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc đời.
Trong số những cảm xúc của con người, sự đồng cảm vô cùng thiết yếu cho sự hoàn thiện tính cách của trẻ. Nói một cách đơn giản, đồng cảm là khả năng đặt bản thân vào vị trí của người khác và thấu hiểu cảm xúc của họ.
Mọi người thường nhẫm lẫn đồng cảm với thông cảm, nhưng hai cảm xúc này khác nhau khá nhiều. Đồng cảm và thông cảm là hai cảm xúc mãnh liệt có lằn ranh mờ ảo. Bố mẹ thường bối rối không biết dạy con như thế nào để phân biệt chính xác hai cảm xúc này. Bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa đồng cảm và thông cảm, từ đó đưa ra những phương pháp đúng đắn để nuôi dưỡng sự đồng cảm trong trẻ.
Mục lục:
Đồng cảm và thông cảm khác nhau như thế nào?
Sự đồng cảm có thể được diễn giải rõ ràng qua những câu nói của nguyên tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama:
“Học cách đặt mình vào vị trí của người khác, học cách nhìn nhận qua đôi mắt của họ, đó là cách hòa bình diễn tiến. Điều đó có xảy ra hay không phụ thuộc vào bạn. Đồng cảm là một phẩm chất của người có thể thay đổi thế giới.”
Khi bạn dạy trẻ về sự đồng cảm, chính là dạy trẻ cách để thấu hiểu cảm xúc của người khác. Còn thông cảm có nghĩa là nhận biết được cảm xúc của người khác. Nếu thông cảm là nhận biết cảm xúc, thì đồng cảm chính là cùng cảm nhận được những cảm xúc đó.
Sự khác biệt giữa đồng cảm và thông cảm trông có vẻ ít, nhưng lại chiếm một vị trí quan trọng khi bạn giúp trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc. Để hiểu rõ hơn, hãy xem ví dụ dưới đây:
Giả sử trẻ khó dậy đúng giờ mỗi ngày và khiến cả nhà đều trễ làm trễ học. Bạn có thể la mắng trẻ hoặc cố gắng tìm hiểu tại sao trẻ lại không thể dậy đúng giờ. Khi bạn thông cảm cho trẻ, bạn sẽ tự gọi trẻ dậy mỗi ngày, nhưng điều đó chỉ làm trẻ trở nên phụ thuộc vào bạn và lười biếng. Nhưng nếu bạn đồng cảm với trẻ, bạn sẽ cố gắng tìm hiểu lý do tại sao trẻ không thể dậy sớm. Giả sử như trẻ thức khuya, và đó là lý do khiến trẻ không dậy sớm được. Như vậy, bạn cần phải giúp trẻ ngủ sớm mỗi ngày.
Bạn hiểu vấn đề của trẻ ở cả hai trường hợp, nhưng ở trường hợp sau, bạn đã giúp trẻ học được giá trị của việc ngủ sớm thay vì nhận trách nhiệm cho lỗi của trẻ. Sự đồng cảm giúp bạn hiểu được lý do tạo nên vấn đề và thay đổi tình hình.
Tại sao sự đồng cảm lại quan trọng với trẻ?
Dạy trẻ cách thấu hiểu cảm xúc của người khác sẽ giúp trẻ biết cách chấp nhận sự khác biệt. Việc này sẽ giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, anh chị em, thầy cô giáo, vân vân.
Sự đồng cảm có nhiều lợi ích để trẻ có thể trưởng thành tốt đẹp, ví dụ:
- Thúc đẩy hòa nhập xã hội;
- Có tâm lý khỏe mạnh;
- Là tiền đề để có được thành công trong cuộc sống và công việc;
- Xây dựng kỹ năng lãnh đạo;
- Giảm căng thẳng;
- Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp.
Vậy làm thế nào để dạy về sự đồng cảm cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau?
Nhận thức về sự đồng cảm và thông cảm sẽ khác nhau ở các độ tuổi khác nhau. Một đứa trẻ vừa chập chững biết đi sẽ định nghĩa về sự đồng cảm cực kỳ khác với một đứa trẻ đang dậy thì. Như vậy, bạn cần phải dạy về sự đồng cảm ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể tham khảo một vài phương pháp ở dưới đây.
Trẻ từ 3 – 5 tuổi
Bạn dạy sự đồng cảm cho trẻ càng sớm, trẻ sẽ phát triển trí thông minh cảm xúc càng sớm. 3 – 5 tuổi là thời gian trẻ có nhiều sự tò mò và dễ thích nghi hơn các độ tuổi khác, bạn có thể dùng những cách này để nuôi dưỡng sự đồng cảm ở trẻ:
Giúp trẻ hiểu rõ cảm xúc của mình
Đầu tiên, bạn phải giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của mình. Bạn có thể hỏi trẻ những câu như: “Con đang giận à?”, “Tại sao con buồn?”, “Điều gì làm con hạnh phúc?”. Điều này sẽ giúp trẻ có nhận thức về cảm xúc của mình và học cách phân biệt các loại cảm xúc khác nhau.
Đọc truyện
Đọc truyện là cách tốt nhất để giúp trẻ có nhiều cảm xúc khác nhau và luyện sự tập trung ở những năm tháng đầu đời của trẻ.
Tạo một “hộp chăm sóc”
Dạy trẻ nhỏ nhận biết những cảm xúc mạnh mẽ như là quan tâm đến người khác hay yêu bản thân mình thì không dễ chút nào. Nhưng nếu bạn biết nó thành một trò chơi thì sẽ khác. Đặt một ít giấy mềm, băng cá nhân, thú bông nhỏ trong một chiếc hộp, rồi bảo trẻ dùng những đồ vật trong chiếc hộp này để giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Ví dụ, khi nhìn thấy ai đó bị đứt tay thì đưa cho họ chiếc băng cá nhân, hay đưa giấy lau khi bị dính bẩn. Bằng cách này, khi trẻ nhìn thấy người khác gặp khó khăn, trẻ sẽ dễ dàng liên tưởng và giúp đỡ họ, từ đó hình thành sự đồng cảm.
Nói cho trẻ hiểu ngay lúc đó
Thời gian tập trung của trẻ nhỏ rất ngắn, vậy nên bạn phải trò chuyện với trẻ ngay lúc bạn nhìn thấy trẻ tức giận hay ghen tị. Ví dụ, khi trẻ giành đồ chơi với bạn, hãy hỏi trẻ, “Con có biết bạn cảm thấy như thế nào không?”, “Nếu con bị giành đồ chơi thì con sẽ cảm thấy như thế nào?”. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra được cảm xúc của người khác và dần đồng cảm với nó.
Trẻ từ 5 – 7 tuổi
Dạy sự đồng cảm cho trẻ ở độ tuổi này thì cần có một cách tiếp cận khác để có thể giúp trẻ hiểu được về cảm xúc này.
Biến bài học thành trò chơi
Các trò chơi là cách tốt nhất để dạy trẻ về những cảm xúc và sự vật phức tạp cho trẻ. Bạn có thể chơi trò câu đố để giúp trẻ nhận biết về nhiều loại cảm xúc khác nhau. Hỏi trẻ những câu hỏi về cảm xúc như: “Khi con thấy một người đang buồn thì con sẽ làm gì?”, “Khi con tức giận thì con sẽ làm gì?”, “Khi con buồn thì con sẽ làm gì?”,… với mỗi câu trả lời hợp lý, bạn tính một điểm cho trẻ. Khi trẻ đạt được những cột mốc điểm số mà bạn đặt ra, bạn có thể thưởng cho trẻ.
Chơi trò nhìn hình đoán từ
Bạn có thể dùng những hình ảnh hay tranh vẽ từ tạp chí, báo, hay sách tranh để dạy trẻ nhận biết những cảm xúc khác nhau. Đưa ra một bức ảnh và hỏi trẻ xem người trong ảnh đang có cảm xúc gì. Bắt đầu từ những cảm xúc đơn giản như buồn bã, vui vẻ, rồi dần dần chuyển sang những cảm xúc phức tạp hơn như bối rối, hoảng sợ, v.v…
Tôn trọng sự khác biệt
Bạn nên tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với bạn bè với nhiều gia cảnh, ngoại hình, giới tính, màu da, và văn hóa khác nhau. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được mỗi người thì khác nhau nhưng đều có những cảm xúc như nhau.
Đặt ra giới hạn cho sự đồng cảm
Việc dạy trẻ rằng không thể giúp được tất cả mọi người cũng rất quan trọng. Trong một số trường hợp, bản thân phải được ưu tiên hơn. Trẻ chỉ nên giúp đỡ những việc trong khả năng của mình. Hãy dạy trẻ cách thể hiện sự khó chịu, và cách từ chối khi trẻ cảm thấy không thoải mái với việc đó.
Trẻ từ 7 – 9 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ đã biết cách bộc lộ cảm xúc, bạn có thể dùng những cách dạy sâu sắc hơn.
Khuyến khích tranh luận
Bạn có thể hỏi trẻ nghĩ gì về các cuốn sách trẻ đã đọc, những bộ phim trẻ đã xem hoặc những tình huống trong cuộc sống. Hãy tranh luận về chủ đề đó một cách lành mạnh và để trẻ tự do thể hiện cảm xúc của mình. Kiên nhẫn lắng nghe, giải thích thắc mắc và nhẹ nhàng nói cho trẻ hiểu như thế nào là đúng.
Dạy trẻ về lòng trắc ẩn
Trẻ ở độ tuổi này cần có một chút nhận thức về tình hình thực tế ở thế giới bên ngoài. Bạn có thể dẫn trẻ đến thăm trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, hay bất kỳ địa điểm nào mà trẻ có thể chứng kiến được sự khó khăn của người khác. Những trải nghiệm này sẽ đọng lại rất lâu, trẻ sẽ hiểu thêm về sự đồng cảm, đồng thời học được cách biết ơn và trân trọng những gì mình đang có.
Trẻ từ 9 – 12 tuổi
Cho trẻ đi học lớp diễn xuất
Nếu trẻ có hứng thú thì hãy đăng ký cho trẻ một lớp học diễn xuất. Đóng vai nhiều nhân vật sẽ củng cố cho khả năng đồng cảm của trẻ. Trẻ cũng sẽ hiểu được sự khác biệt giữa thông cảm, đồng cảm và thương hại.
Tạo bốn hộp chủ đề
Bốn hộp chủ đề đó là: cảm nhận, suy nghĩ, lời nói và hành động. Hãy để trẻ chọn một cảm xúc mỗi ngày, và yêu cầu trẻ thể hiện cảm nhận, suy nghĩ, lời nói và hành động để diễn đạt cảm xúc đó.
Trẻ từ 13 tuổi trở lên
Độ tuổi này là thời điểm cuối cùng mà bố mẹ cần phải nuôi dưỡng sự đồng cảm trong trẻ, hãy sử dụng những “chiến thuật” dưới đây để trẻ có thể trưởng thành tốt đẹp nhé.
Thảo luận về những vấn đề hiện tại
Đọc báo, xem thời sự cùng trẻ và thảo luận về những sự kiện đang diễn ra ở hiện tại. Việc này sẽ giúp hoàn thiện sự đồng cảm trong trẻ và giúp trẻ có chính kiến hơn.
Cho trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện
Hãy khuyến khích trẻ tham gia và dành thời gian cho các hoạt động tình nguyện như quyên góp sách vở, quần áo cũ, phát cơm cho người vô gia cư,… Trẻ sẽ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức cá nhân của trẻ.
Sự đồng cảm tạo ra những con người tốt đẹp, con người tốt đẹp tạo ra một xã hội tốt đẹp
Bạn có muốn trẻ lớn lên trong một xã hội văn minh và cấp tiến không? Vậy thì bạn cũng nên trở thành một tấm gương tốt cho con về sự đồng cảm. Trẻ thường học theo cách mà bố mẹ cư xử, vì vậy bạn nên bày tỏ sự đồng cảm của mình đối với trẻ và đối với mọi người. Như vậy, trẻ sẽ dần xây dựng được sự đồng cảm bên trong mình.
Những câu hỏi thường gặp
1. Đồng cảm với thông cảm, cái nào tốt hơn?
– Thông cảm là biết được cảm nhận của người khác, còn đồng cảm là thấu hiểu cảm xúc của họ bằng cách đặt bản thân mình vào hoàn cảnh đó. Vì vậy, đồng cảm thể hiện nhiều sự quan tâm và thấu hiểu hơn thông cảm.
2. Liệu một người có thể đồng cảm nhưng lại không thông cảm được không?
– Đồng cảm và thông cảm đều là những cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, đồng cảm chính là có thể có được cảm xúc tương tự, nhưng thông cảm thì lại không. Trong trường hợp một người có thể có cùng cảm xúc với người khác khi đặt mình trong một hoàn cảnh cụ thể nhưng lại không thể gọi tên hay định nghĩa cảm xúc đó, thì đó chính là có đồng cảm nhưng không thông cảm.
3. Đồng cảm thuộc loại nào?
– Sự đồng cảm có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng thường sẽ có 3 yếu tố chính: cảm xúc, nhận thức và lòng trắc ẩn.
4. Đồng cảm thuộc về tính cách hay kỹ năng?
– Cả hai. Một người cần phải phát triển phần tính cách này và học kỹ năng thể hiện nó bằng một thái độ đúng đắn.
5. Người không có sự đồng cảm thì gọi là gì?
– Là biến thái nhân cách (psychopath). Đây là một loại bệnh về tâm thần, người mắc bệnh này không có khả năng cảm nhận được sự đồng cảm và hối hận đối với người khác.
Nguồn: splashlearn.com