Tại Sao Màu Xanh Lam Rất Hiếm Có Trong Tự Nhiên
Ngày đăng: 31/03/2022Màu xanh lam là một màu rất nổi bật trên trái đất, nhưng lại rất hiếm trong tự nhiên. Có chưa đến 1/10 số thực vật có hoa màu xanh lam và số động vật có màu xanh lam còn ít hơn rất nhiều. Tại sao lại như vậy?
Một phần lý do là không có màu-xanh-lam-thực-sự hoặc sắc tố trong tự nhiên, nên cả thực vật và động vật đều phải thực hiện các thủ thuật ánh sáng để có được màu xanh này.
Đối với thực vật, màu xanh lam đạt được bằng cách trộn các sắc tố tự nhiên, giống như một nghệ sĩ pha trộn màu sắc. Thường được sử dụng nhất là các sắc tố đỏ, được gọi là anthocyanins, và vẻ ngoài của chúng có thể thay đổi theo độ axit khác nhau.
Những thay đổi này, kết hợp với sự phản chiếu ánh sáng, có thể tạo ra một số kết quả ngoạn mục như: hoa Phi Yến, hoa Thanh Xà, hoa Cát Cánh, hoa Cẩm Tú Cầu, rau Trai Nước, hoa Bìm Bìm và hoa Thanh Cúc.
Không những hoa màu xanh rất hiếm trên các loài thực vật, mà hầu như còn không có loài thực vật nào có lá màu xanh lam – ngoại trừ một số ít các loài được tìm thấy trên tầng rừng mưa nhiệt đới. Lý do chính của điều này liên quan đến vật lý ánh sáng. Các sắc tố thể hiện màu của ánh sáng mà chúng không hấp thụ, mà phản chiếu lại. Sắc tố thực vật phổ biến nhất là diệp lục, vì vậy thực vật có màu xanh lục vì diệp lục không hấp thụ mà phản chiếu ánh sáng xanh. Tuy nhiên, thực vật thích ánh sáng xanh lam vì nó có nhiều năng lượng hơn bất kỳ ánh sáng nào khác trong quang phổ khả kiến.
Nhưng, nếu cái cây mang những chiếc lá màu xanh lam, nghĩa là nó đang phản chiếu ánh sáng năng lượng cao nhất, và chỉ sử dụng các nguồn ánh sáng kém chất lượng hơn, điều này cuối cùng lại sẽ hạn chế sự phát triển của cây. Đó không phải là một lựa chọn đúng đắn, nên hầu hết các loài thực vật đều né tránh điều này.
Trong khi màu xanh lam có thể là màu yêu thích của con người chúng ta, thì động vật lại khó có màu xanh hơn nhiều.
Nhiều sắc tố ở động vật là kết quả từ thức ăn của chúng. Ví dụ, hồng hạc có màu hồng từ thức ăn yêu thích của chúng là tôm, hoặc màu vàng của cá vàng cũng từ thức ăn của chúng. Nhưng như chúng ta đã biết ở trên, vì không có sắc tố xanh lam thực sự trong thế giới tự nhiên, động vật không thể chuyển sang màu xanh lam nhờ thức ăn.
Thay vì trộn hoặc thay đổi sắc tố, nhiều loài động vật có được màu xanh lam bằng cách tạo ra các cấu trúc thay đổi bước sóng ánh sáng. Ví dụ, loài bướm Morpho xanh lam thực ra có được màu sắc từ việc các vảy cánh của nó có hình dạng gờ khiến ánh sáng bị bẻ cong theo cách mà bước sóng ánh sáng duy nhất nó phản chiếu là màu xanh lam. Nếu vảy có hình dạng khác, màu xanh lam sẽ biến mất.
Các loài chim xanh, chẳng hạn như chim Giẻ Cùi Lam, có được màu sắc của chúng thông qua một quá trình tương tự, nhưng hơi khác. Mỗi chiếc lông vũ được tạo thành từ các hạt siêu nhỏ tán xạ ánh sáng được đặt cách nhau theo cách mà mọi bước sóng ánh sáng đều bị loại bỏ, ngoại trừ màu xanh lam – giống như cách tai nghe loại bỏ tiếng ồn hoạt động.
Ngoại lệ duy nhất trong tự nhiên là bướm Obrina Olivewing, là loài động vật duy nhất được biết đến tạo ra được sắc tố xanh thực sự.
—
Ngày nay, hoa màu xanh lam vẫn được đánh giá cao, nhiều người đã và đang cố gắng trồng và lai tạo ra loại hoa màu xanh lam hoàn hảo. Tuy nhiên, người ta mới chỉ có thể tạo ra được hoa Cúc xanh thực sự đầu tiên ở Nhật Bản.
Màu xanh lam sẽ tiếp tục là một màu hiếm trong tự nhiên.
Nguồn: University of Adelaide