Trẻ Học Gì Qua Trò Chơi Đóng Vai
Ngày đăng: 22/03/2022Trò chơi đóng vai vô cùng phổ biến với trẻ em, mang lại nhiều lợi ích lâu dài, là một phần không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của trẻ. Cho dù trẻ đóng vai siêu nhân, công chúa, bác sĩ, đầu bếp hay phi hành gia, việc hóa trang nhập vai nhân vật hỗ trợ trẻ phát triển nhiều khía cạnh quan trọng trong đời.
Trò chơi hóa trang thường bắt đầu khi trẻ được 24 tháng, tiếp tục khi trẻ lớn dần và có nhiều hứng thú hơn với những thứ xung quanh mình. Trẻ 2 tuổi sẽ bắt đầu để ý đến sự khác nhau của những trang phục mà mọi người mặc khi đi làm, trang phục mặc ngày mưa lạnh, hay trang phục của những nhân vật trong truyện cổ tích. Trẻ sẽ tỏ ra yêu thích khi đóng vai một người khác bằng cách hóa trang. Hãy cùng điểm qua năm (05) lợi ích mà trò chơi hóa trang đem lại nhé:
1» Sử dụng trí tưởng tượng
Tổ chức tiệc trà hay là đánh nhau với rồng, trẻ sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để khám phá thế giới riêng và tạo ra bối cảnh trò chơi lý tưởng cho mình. Càng chơi nhiều, trẻ sẽ càng phát triển trí tưởng tượng của mình.
Đóng vai nhân vật tạo cơ hội cho trẻ tưởng tượng những khung cảnh phức tạp. Hơn nữa, việc mặc trang phục hóa trang cũng kích thích sự sáng tạo: một bộ com lê có thể làm giáp lung linh cho kỵ sĩ hoặc trang phục biểu diễn cho vũ công khiêu vũ. Trẻ có thể sử dụng chiếc mũ lưỡi trai để làm mũ công nhân xây dựng, mũ đầu bếp, mũ y tá, hay bất kỳ thứ gì trẻ tưởng tượng ra.
2» Nuôi dưỡng kỹ năng ngôn ngữ
Chơi đóng vai cần rất nhiều kỹ năng ngôn ngữ! Trẻ có thể học thêm từ mới và trau dồi kỹ năng ngôn ngữ khi trẻ mô tả cách thức đánh bại hải tặc xấu xa, hay giới thiệu một ngày làm việc của mình khi đóng vai cảnh sát.
3» Học được sự đồng cảm
Khi chơi trò đóng vai với người khác, với thú cưng hay thú nhồi bông, trẻ sẽ học được cách đồng cảm với người khác. Khi trẻ đóng vai bác sĩ, trẻ có thể ngay lập tức thể hiện sự nhiệt tình với bệnh nhân của mình. Khi đóng vai giáo viên, trẻ có thể cư xử tử tế với học sinh của mình, ví dụ như động viên việc đọc sách.
4» Xây dựng kỹ năng xã hội – tình cảm
Bằng cách chơi hóa trang, trẻ tham gia vào việc đóng vai, tương tác nhân vật, cùng vô số các kỹ năng xã hội – tình cảm khác để phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ). Trẻ sẽ khám phá ra nhiều thứ về bản thân mình cũng như người khác, như là sở thích, hay trách nhiệm của mỗi người trong mỗi công việc.
Chơi trò hóa trang còn có thể đóng góp tạo dựng nền tảng phát triển lý thuyết tâm lý cho trẻ, và giúp trẻ hiểu biết về việc suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người là độc lập và khác biệt.
5» Phát triển kỹ năng vận động
Trò chơi hóa trang là một cơ hội tốt để trẻ luyện tập việc thay quần áo, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô (giữ thăng bằng, phối hợp cơ thể) và vận động tinh (điều khiển ngón tay, bàn tay, cổ tay).
Mặc dù có rất nhiều loại trang phục hóa trang đang được bày bán trên thị trường, bạn cũng có thể tự làm đồ hóa trang bằng những vật liệu có sẵn ở nhà! Tìm kiếm một ít quần áo và phụ kiện thích hợp hoặc có thể tự chế ra từ đồ cũ để hô biến trẻ hoặc chính bản thân bạn trở thành một nhân vật mới. Bạn cũng có thể hỏi xin đồ cũ từ bạn bè hoặc người thân. Hãy tận dụng sức sáng tạo của mình, ví dụ như một chiếc chăn cũ cho trẻ sơ sinh có thể làm một chiếc áo choàng siêu nhân hoàn hảo!
Nguồn: BabySparks