Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán 17/6: Việt Nam tích cực chống sa mạc hóa và giảm bớt hạn hán
Ngày đăng: 07/06/2023Ngày 17/6 hằng năm được Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán.
Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về chống suy thoái đất, sa mạc hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chủ đề Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2022 là: “Chung tay vượt qua hạn hán.”
Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc được thành lập từ năm 1994, hiện có 197 thành viên. Việt Nam gia nhập Công ước này từ năm 1998. Mục tiêu của Công ước là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng; áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.
Hà Nội (TTXVN 17/6) Trong công cuộc phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được kết quả “kép”: Vừa chống suy thoái đất, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.
Nguồn: infographics.vn
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tư duy đi trước từ rất sớm, với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường thể hiện tầm nhìn xa cùng với cam kết và hành động mạnh mẽ, Việt Nam được xem là điểm sáng khi thế giới nói về chủ đề phòng, chống sa mạc hóa.
Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020; đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều nội dung.
Chương trình hành động đã đạt được những kết quả chính gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa; điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ bảo vệ, quản lý và phát triển tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đất liên quan sa mạc hóa; hợp tác quốc tế để thực hiện Công ước chống sa mạc hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên và hưởng ứng kêu gọi đề xuất của Ban thư ký như trách nhiệm báo cáo, tham gia đầy đủ các phiên họp Công ước, thực hiện các sáng kiến do Tổng Thư ký Công ước phát động.
Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030.
Nguồn: Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)