Nên Làm Gì Với Trẻ Hay Giận Dỗi, Mè Nheo
Ngày đăng: 06/04/2022Với sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý và kiến thức, có nhiều bậc bố mẹ đủ “nhạy cảm” và “tôn trọng” đã xây dựng được tình cảm gắn bó với con, điều này cũng sẽ thể hiện ở cách hành xử của trẻ. Tuy niên, không phải bố mẹ nào cũng có thể làm được như vậy.
Tại sao con lại giận dỗi? Tại sao con lại mè nheo và đòi hỏi nhiều như vậy? Những năm đầu đời của trẻ luôn xoay bố mẹ như chong chóng nếu như chưa có kinh nghiệm.
Để hiểu thêm về con, cũng như để chăm sóc con tốt hơn, bố mẹ hãy thử trả lời những câu hỏi dưới đây nhé!
1. Phòng tránh
Nên có sự chuẩn bị để có thể tránh khỏi hàng tá rắc rối sau này. Chúng ta cần phải xây dựng được môi trường kỷ luật trong đời sống thường ngày để hạn chế các hành vi sai trái của trẻ.
Hãy nhớ rằng trẻ học hỏi bằng cách khám phá và thử nghiệm. Chúng cũng sẽ bày tỏ cảm xúc không thoải mái của mình bằng hành vi vượt quá giới hạn. Nếu bạn không muốn trẻ nhảy lên nhảy xuống trên ghế sô pha hay chơi mạnh bạo, bạn cũng không muốn phải liên tục từ chối, la mắng con và cảm thấy bực bội, thì bạn cần phải phòng tránh và hạn chế trước khi việc đó xảy ra.
– Trẻ có một nơi an toàn, một “hầm trú ẩn” nơi trẻ có thể dành phần lớn thời gian của mình trong ngày không?
Cho trẻ hoạt động tự do trong một khuôn khổ nhất định giúp bố mẹ kiểm soát được và giới hạn lại phạm vi và hành động của trẻ mà không khiến trẻ bị gò bó.
– Trẻ sơ sinh có được ở trong một nơi phù hợp, đảm bảo được sự an toàn và tự do di chuyển không? (như cũi, giường nhỏ có thanh chắn)
– Sinh hoạt ở nhà có đầm ấm không? Lịch trình hàng ngày có dự đoán trước được không?
Một lịch trình sẵn hàng ngày có thể tạo ra sự thoải mái và an toàn cho trẻ, cũng như giúp trẻ học được tính kỷ luật và tự giác. Ví dụ, trẻ sẽ biết được khi ăn tối xong sẽ phải đánh răng, hay trước khi đi ngủ phải vệ sinh sạch sẽ. Trẻ cũng sẽ nhận biết lịch trình của bạn mỗi ngày, rằng những việc bạn làm đều có trình tự và theo giờ giấc, từ đó sẽ bắt chước theo và hình thành tính kỷ luật. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng như thế, vẫn sẽ có những lúc trẻ không nghe lời, nhưng ít hơn nhiều so với việc không có lịch trình.
– Bố mẹ đã thực sự dành thời gian quan sát, thấu hiểu và có thái độ tích cực với trẻ chưa?
– Bố mẹ đã cho phép, hay là khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc của mình chưa?
2. Sự tự tin
Sự tự tin là điều vô cùng quan trọng nhưng lại thường xuyên bị xem nhẹ khi những lời dạy bảo của chúng ta không có hiệu quả. Sự tự tin đi kèm quyết đoán, hay là lạc quan, chứ không phải cứng nhắc hay quá nghiêm khắc. Trẻ con rất nhạy cảm và dễ dàng phát hiện ra chúng ta có thật sự tự tin vào quyết định, định hướng hay giới hạn của mình hay không. Nếu chúng ta không đủ tự tin, trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái và có xu hướng nhăn nhó, khóc, chống đối hay cư xử quá đáng hơn nữa.
Một luật bất thành văn: trẻ sẽ không thể thực sự tự tin hay dứt khoát trừ khi chúng ta làm điều đó trước.
Ví dụ, trẻ không chịu ngủ đúng giờ và liên tục mè nheo làm nũng bố mẹ bằng cách nói “con đói”, “con khát”, “con muốn đi vệ sinh”, hay lý do phổ biến nhất: “con sợ”. Khi trẻ dễ bị giật mình và bố mẹ quan tâm trẻ hơn mỗi khi chuyện này xảy ra, thì lý do “con sợ” là vô cùng tuyệt vời để làm nũng, trì hoãn giờ đi ngủ và khiến bố mẹ tốn nhiều thời gian công sức hơn để dỗ trẻ ngủ. Nhưng giờ ngủ trưa lại diễn ra hoàn toàn bình thường. Như vậy, điều bố mẹ nên làm ở đây là thuyết phục trẻ rằng hãy cứ làm như lúc con ngủ trưa đi. Nhiều khi, tất cả những gì trẻ cần là sự khẳng định từ bố mẹ.
Vậy thế nào là tự tin? Bố mẹ hãy trả lời những câu hỏi dưới đây nhé:
– Bố mẹ đã nói chuyện với trẻ một cách thẳng thắn, rõ ràng, quyết đoán, chắc chắn thay vì vòng vo, loanh quanh, ỡm ờ hay thậm chí là lo lắng chưa?
– Bố mẹ đã đủ bình tĩnh và vững vàng trong đa số mọi việc chưa?
– Bố mẹ có chạy thay vì sải bước dài, có la hét thay vì nói nhẹ nhàng không?
– Bố mẹ đã mạch lạc, rõ ràng thay vì gay gắt chưa? Bố mẹ đã hướng dẫn và dạy bảo đúng cách thay vì chỉ khiển trách chưa?
Nếu bố mẹ chỉ khiển trách và sửa lưng trẻ mà không giải thích rõ ràng lý do tại sao lại như vậy, cho dù đó là một việc rất nhỏ nhặt, thì trẻ cũng sẽ nảy sinh thắc mắc và nghi ngờ vì chưa đủ tư duy để hiểu được điều đó. Trẻ sẽ có xu hướng lặp lại việc đó để xem phản ứng của bạn.
– Bạn có tự tin vào quyết định và định hướng của mình không?
Không có lý do gì mà không làm thế cả. Ngay cả khi bạn quyết định vội vàng thì vẫn có thể thay đổi nó lúc sau, và còn có thể dạy trẻ bài học về việc ra quyết định và thay đổi linh hoạt để phù hợp hoàn cảnh.
3. Chuẩn bị từ sớm
Trẻ hiểu được những lời chúng ta nói, nhưng chúng ta cần chuẩn bị nhiều hơn chỉ là lời nói suông, vì trẻ thường hành động theo bản năng và cảm tính chứ chưa đủ tư duy để suy nghĩ nhiều. Ví dụ như bình tĩnh quan sát trẻ có xu hướng dùng bạo lực, tách trẻ ra không gian riêng nếu như trẻ bắt đầu hành động mất kiểm soát, hay giúp trẻ thay đồ vào buổi sáng kể cả khi trẻ có thể tự làm việc đó.
– Bố mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng các hướng giải quyết từ sớm trước khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu ngỗ nghịch chưa?
4. Chấp nhận
Thay vì nỗ lực dạy dỗ hoặc bày tỏ cho trẻ hiểu như thế nào là đúng, có một số việc bạn cần phải chấp nhận chúng là như thế. Đặc biệt là về vấn đề khác biệt sở thích, lối suy nghĩ, những xích mích nhỏ nhặt hàng ngày trong gia đình – điều không thể thiếu trong quá trình lớn lên của trẻ. Nhưng không phải bạn sẽ chấp nhận tất cả của trẻ, trong khi giải quyết vấn đề, bạn nhún nhường để giữ gìn tình cảm gia đình, nhưng cũng phải bày tỏ rõ ràng cho trẻ hiểu được mặc dù việc đó có thể được chấp nhận, nhưng bạn không thích và cảm thấy không thoải mái khi trẻ làm như thế, trẻ nên hạn chế hết mức có thể. Từ đó, bạn cũng có thể dạy trẻ về việc tôn trọng cảm xúc của người khác và không nên đi quá giới hạn.
– Bố mẹ đã chấp nhận, tôn trọng cảm xúc và quan điểm của trẻ chưa?
– Bố mẹ đã thể hiện cho trẻ biết bố mẹ đã lắng nghe và hiểu những gì trẻ muốn nói chưa?
Lắng nghe và thấu hiểu rất quan trọng, trẻ cần được cảm thấy bản thân mình thật sự được tôn trọng chứ không phải những lời nói suông.
– Bố mẹ có luôn sẵn sàng trò chuyện và hỗ trợ tinh thần cho trẻ hay không?
Khi trở thành bố mẹ, sẽ có những khoảng thời gian bạn cảm thấy mệt mỏi, bức bối và chỉ muốn con để mình yên, nhưng làm như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy có một bức tường ngăn cách và sẽ càng cố gắng thu hút sự chú ý của bạn hơn nữa. Đôi khi lý do thực sự đằng sau việc liên tục la hét và gào khóc của trẻ chỉ là để bạn chú ý đến những thứ vô cùng nhỏ nhặt mà bạn đã phớt lờ trước đó. Bạn có thể sẽ tránh được rắc rối và stress nếu như bạn để ý đến trẻ ngay từ đầu ở những biểu hiện mơ hồ nhất. Việc này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và tinh tế. Trẻ con rất nhạy cảm đối với ngữ điệu, lời nói và hành động của những người xung quanh, vậy nên hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu được quan tâm của trẻ, hoặc ít nhất là thể hiện cho trẻ biết được rằng bạn thực sự có quan tâm chứ không phải cố tình phớt lờ chúng.
Nguồn: janetlansbury.com