Dạy Bé Trai Cách Tôn Trọng Phụ Nữ
Ngày đăng: 28/03/2022Bạo lực gia đình đã và đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Không có giải pháp nào đơn giản và dễ dàng cả, chúng ta cần phải góp sức ngăn chặn vấn đề này, nhất là bạo hành gia đình đối với phụ nữ. Người lớn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ, vì nhiều nghiên cứu cho rằng đàn ông không tôn trọng phụ nữ thường bắt nguồn từ khi còn nhỏ. Sự không tôn trọng thể hiện ở những hành vi nhỏ nhặt mà thường bị bỏ qua hoặc không được chú ý đến, ví dụ như trêu chọc, cười nhạo, bắt nạt bằng lời nói hoặc quấy rối. Chúng ta cần phải dạy dỗ trẻ ngay từ nhỏ về việc phải tôn trọng và quan tâm đến mọi giới.
Nói chuyện về sự tôn trọng với trẻ càng sớm càng tốt
Khi trẻ có dấu hiệu không tôn trọng người khác, đầu tiên hãy phản ứng nhẹ nhàng theo ba bước giao tiếp ở dưới, có thể áp dụng với trẻ nhỏ hoặc tuổi teen. Nếu con trai bạn trêu chọc quá đà chị/em gái hoặc bạn nữ, hãy hướng dẫn trẻ
“Ngừng hành vi” đó lại: Nói chuyện nhẹ nhàng thay vì yêu cầu trẻ dừng việc đó lại ngay lập tức. Bạn nên chuẩn bị sẵn một hoặc nhiều cụm từ có thể sử dụng ngay lúc đó. Ví dụ: “Con không được làm vậy. Đó là chế nhạo người khác. Chúng ta không chế nhạo người trong gia đình mình.”
Tạo sự đồng cảm: Bảo con trai bạn nhìn thẳng vào mắt của chị/em gái mình hoặc bạn nữ: “Con có biết chị/em/bạn cảm thấy như thế nào không?”
Giáo dục: Đưa ra lựa chọn cho trẻ như phớt lờ chị/em/bạn nữ nếu như bé gái làm phiền trẻ, hoặc dạy trẻ bày tỏ cảm xúc cá nhân và giao tiếp có hiệu quả, ví dụ: “em không thích chị làm như vậy” hay “tớ muốn cậu chơi cùng tớ”.
Đây là một chặng đường dài, không phải chạy nước rút
Đối với kiến thức học thuật và kỹ năng học hỏi, bạn cần biết rằng phải mất nhiều thời gian và công sức dạy dỗ từ khi trẻ còn bé đến khi trưởng thành thì mới có hiệu quả. Tương tự, để trẻ học được cách tôn trọng phụ nữ và những kỹ năng xã hội khác, bạn nên xây dựng kế hoạch tiếp cận lâu dài ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Những việc cụ thể bạn có thể làm để dạy bé trai cách tôn trọng phụ nữ:
– Dạy trẻ cách yêu thương mẹ.
Đầu tiên, mẹ phải gần gũi với trẻ để xây dựng tình cảm gia đình. Bởi vì bố mẹ là những hình mẫu đầu tiên cho trẻ trong việc hình thành nhân cách, vai trò của bố cũng rất quan trọng. Việc bố tôn trọng và yêu thương mẹ, gia đình hòa thuận yên ấm là tiền đề cho trẻ học được cách tôn trọng và yêu thương người khác sau này.
– Dạy trẻ làm việc nhà và phân chia công việc không theo giới tính mà theo khả năng của mỗi người.
Việc nhà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Bạn có thể làm bảng phân công công việc mỗi ngày, trẻ và các anh chị em trong nhà cùng làm những công việc đơn giản, bố mẹ làm những công việc phức tạp hơn, tùy vào khả năng của mỗi người.
– Cho trẻ biết tình hình thực tế và lý do tại sao phải tôn trọng phụ nữ.
Trẻ nhận thức về mọi thứ xung quanh nhiều hơn bạn nghĩ. Trẻ có thể chưa hiểu nhưng sẽ ghi nhớ và bắt chước theo. Việc trò chuyện với trẻ về tình hình thực tế sẽ giúp trẻ mở rộng thế giới quan của mình, đồng thời trẻ sẽ dễ ghi nhớ bài học của bạn hơn. Hãy dạy trẻ về sự khác biệt thể chất giữa nam và nữ, sự khác biệt về suy nghĩ, cảm xúc và giới hạn của mỗi người, từ đó dạy trẻ về sự đồng cảm và cách tôn trọng sự khác biệt đó. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như hỏi trẻ cảm thấy như thế nào nếu như người khác làm việc trẻ không thích, từ đó dạy trẻ rằng không nên làm những việc người khác không thích với họ.
– Lắng nghe ý kiến của trẻ.
Để dạy trẻ cách tôn trọng người khác, trước hết bạn phải tôn trọng trẻ. Lắng nghe, tìm hiểu vấn đề, rồi từ đó tìm hướng giải quyết. Việc này cũng tạo cho trẻ thói quen giao tiếp lành mạnh và phát triển kỹ năng giao tiếp – kỹ năng xã hội cực kỳ quan trọng.
– Kiểm soát nguồn thông tin trẻ tiếp cận được và ngăn chặn các luồng thông tin độc hại.
Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, nguồn thông tin trẻ có thể tiếp cận được thông qua internet là rất nhiều, vậy nên bố mẹ cần có những biện pháp kiểm soát nguồn thông tin khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với các thiết bị điện tử để kịp thời dạy dỗ trẻ về phải trái đúng sai, tránh để trẻ bị tiêm nhiễm bởi các luồng thông tin độc hại. Điều này không có nghĩa là phải hạn chế hay cấm đoán trẻ tiếp xúc với internet hay mạng xã hội, bởi vì tính tò mò nên càng cấm thì trẻ sẽ càng tìm cách làm và thậm chí sẽ nói dối bố mẹ. Hãy “vẽ đường cho hươu chạy” còn hơn là để hươu chạy sai đường.
Nguồn: Parenting Ideas