Đừng Đau Đầu Vì Trẻ Bừa Bộn Nữa, Chỉ Cần Làm Đúng Cách Thôi
Ngày đăng: 04/05/2022“Phòng con chị như cái chuồng lợn, chị bảo nó dọn đi nó còn dỗi chị!”
Nghe quen lắm đúng không? Nhiều bậc cha mẹ cũng cực kỳ đau đầu với vấn đề phòng trẻ quá bẩn, đến nỗi nhiều khi còn không có chỗ để đặt chân vào. Quần áo bẩn thì vứt dưới đất, quần áo sạch thì ở trên ghế hoặc trên giường, đồ đạc để lung tung hết cả, giấy rác cũng ở trên sàn nhà. Thành thật mà nói, đối phó với một đứa trẻ không chịu dọn dẹp chăm sóc phòng của mình vô cùng khó chịu.
Lý do phổ biến nhất mà trẻ không dọn phòng là bởi vì chúng không muốn. Có một vài đứa trẻ chỉ tập trung làm những việc nhất định mà chúng muốn làm. Trẻ thích làm việc khác như lướt điện thoại, chơi máy tính hoặc nhắn tin cho bạn bè. Nếu được lựa chọn giữa việc bạn thích, làm bạn vui vẻ, so với làm việc nhà, tất nhiên bạn sẽ muốn làm việc bạn thích hơn rồi.
Thỉnh thoảng, việc không dọn dẹp là một phần của sự nổi loạn. Hãy xem thử ngoại trừ không dọn dẹp ra thì trẻ có chống đối hay cố tình làm trái ý bạn trong nhiều chuyện hay không. Bạn càng cố gắng kiểm soát thì trẻ sẽ càng muốn chống đối. Chuyện này sẽ khiến bạn mệt mỏi, tức giận và stress. Bạn thậm chí còn có thể nghĩ rằng bạn làm việc vất vả để trẻ có nhà ở và có phòng riêng, tại sao đến việc dọn dẹp cơ bản thôi mà trẻ cũng không làm được?
Mặc dù sự việc có nghiêm trọng đến mức độ nào, thì đây cũng không phải là vấn đề chỉ riêng của gia đình bạn. Hầu hết mọi đứa trẻ đèu trải qua một giai đoạn bừa bộn, việc này không liên quan đến bạn hoặc phương pháp dạy con của bạn. Lựa chọn tốt nhất là mặc kệ chúng và chỉ đảm bảo rằng trẻ không vượt quá giới hạn chịu đựng của bạn, bởi vì vẫn còn rất nhiều thứ bạn cần phải làm để dạy trẻ nên người. Vốn dĩ đó là đồ đạc của trẻ, nếu trẻ muốn sống như vậy thì bạn có thể cân nhắc cứ để như thế. Tuy nhiên, nếu trẻ ở chung phòng với bạn hoặc các anh chị em, hoặc phòng bẩn đến mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiễm trùng và dòi bọ, thì việc chấn chỉnh lại là vô cùng cần thiết.
Dưới đây là 4 cách hướng trẻ vào việc dọn phòng nếu bạn thực sự muốn trẻ trở nên gọn gàng sạch sẽ.
Mục lục:
Giúp trẻ bắt đầu công việc
Trẻ có thể thực sự cần sự giúp đỡ của bạn lúc ban đầu. Nhiều trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, có chức năng điều hành và kỹ năng sắp xếp chưa được tốt, chúng có thể không biết phải làm như thế nào. Trong trường hợp này, bạn nên dành từ 15 đến 30 phút trong phòng trẻ và hướng dẫn trẻ cách dọn dẹp mọi thứ.
Ví dụ, bạn có thể bảo trẻ nhặt quần áo trên sàn lên, quan sát trẻ xem thử cái nào nên bỏ vào sọt quần áo bẩn và cái nào nên cất đi. Trẻ phải nhận biết được kỳ vọng của bạn. Chúng ta hay cho rằng trẻ biết cách làm như thế nào, nhưng trên thực tế thì không như vậy. Trẻ cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của bạn trong thời gian đầu.
Để trẻ chỉ tập trung dọn từng phần vào mỗi thời điểm
Phòng của trẻ có thực sự là một đống bừa bộn không? Bạn có gặp khó khăn khi di chuyển trong đó không? Nếu có, chia căn phòng thành 4 phần và bảo trẻ mỗi lần chỉ dọn 1 phần.
Ngoài ra, bạn cũng nên để trẻ tập trung vào một việc mỗi lần, ví dụ như nhặt hết quần áo lên trước, sau đó mới dọn đồ chơi và dọn rác.
Chia nhỏ một việc lớn ra sẽ giúp trẻ dễ dàng làm hơn. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để có thể hiểu được cách trẻ nhìn nhận vấn đề. Khi đồ đạc chất đống, trẻ sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu và nghĩ rằng không bao giờ có thể dọn sạch hết được, vậy thì dọn làm gì trong khi nó sẽ trở lại như cũ. Hãy khiến trẻ bỏ suy nghĩ đó đi và hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề từng bước một.
Đừng dọn sạch giúp trẻ hoàn toàn
Một vấn đề quan trọng tiếp theo: nếu trẻ đủ lớn để có thể tự dọn phòng, đừng dọn giúp trẻ. Đừng bảo bọc trẻ quá, trẻ cần phải tự dọn phòng của mình.
Bước vào dọn phòng giúp trẻ trên thực tế không giúp ích được gì cả. Việc này cho thấy bạn nghĩ rằng trẻ không tự mình dọn dẹp được. Trẻ sẽ suy luận ra nếu như trẻ trì hoãn và chống đối đủ lâu thì bạn sẽ bỏ cuộc và dọn giúp trẻ.
Dọn dẹp giúp trẻ cũng có ý nghĩa là trẻ không cần làm theo những gì bạn nói – bạn nói một đằng làm một nẻo. Theo lẽ đó, khi trẻ nghĩ như thế, lời nói của bạn sẽ dần không còn trọng lượng.
Chắc chắn rằng bạn tự làm luôn thì dễ dàng hơn rồi, nhưng về lâu về dài, trẻ sẽ không còn động lực làm việc nhà nữa. Có một luật bất thành văn là khi trẻ đến tuổi học tiểu học, trẻ nên biết cách tự làm các việc cá nhân bao gồm cả tự dọn phòng, bạn chỉ cần quan sát và đảm bảo cho mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Sử dụng “nhân quả” một cách hiệu quả
Nếu như trẻ không chịu dọn phòng, bạn nên để trẻ biết hậu quả của việc đó thay vì trừng phạt trẻ. Không hoàn thành việc dọn nhà là “nhân” hoàn hảo để có “quả” – trẻ không được làm một việc cụ thể nào đó mà trẻ thích. Ví dụ, bạn không cho phép trẻ sử dụng điện thoại hay máy điện tử, hoặc là, trẻ sẽ không được phép ra ngoài chơi với bạn, cho đến khi trẻ nhặt hết quần áo vương vãi dưới đất lên. Khi trẻ dọn xong thì mọi thứ tiếp tục như bình thường. Như vậy, thời hạn của “hậu quả” này kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào trẻ. Nói cách khác, trẻ có thể làm việc trẻ thích ngay lập tức nếu như trẻ dọn dẹp xong sớm.
Việc này có bảo đảm rằng trẻ sẽ luôn dọn phòng sạch sẽ từ nay trở về sau không? Tất nhiên là không rồi, bởi vì có những đứa trẻ rất lì lợm. Nhưng áp dụng cách này sẽ dần khiến trẻ học được cách cư xử đúng đắn. James Lehman đã từng nói: “Bạn có thể dẫn con ngựa đến nguồn nước, ngay cả khi bạn không thể bắt nó uống nước, bạn vẫn có thể khiến nó khát.” Nếu bạn không thể bắt con ngựa uống nước, thì hãy khiến nó khát, nó sẽ tự uống. Đây chính là sử dụng “nhân quả” một cách hiệu quả trong việc dạy trẻ cư xử đúng mực.
Kết luận
Cuối cùng, nếu như bạn đã tạo điều kiện hết mức có thể nhưng trẻ vẫn quyết định không làm, vậy vấn đề nằm ở trẻ. Trách nhiệm của bạn là dạy dỗ, hướng dẫn và đặt ra giới hạn cho trẻ, không phải toàn bộ lỗi lầm đều nằm ở bạn. Sẽ luôn có những việc trẻ tự quyết định theo ý muốn của mình mà không gì tác động tới được. Điều tốt nhất bạn có thể làm là giải quyết vấn đề với trẻ, sử dụng phần thưởng và hậu quả để tạo động lực cho trẻ, và luôn đảm bảo mọi việc nằm trong tầm kiểm soát. Chỉ cần bạn đủ kiên trì trồng cây thì sẽ có được trái ngọt.
Nguồn: empoweringparents.com